Bạn đã bao giờ nghe đến câu tục ngữ ‘Chim có tổ người có tông’ chưa? Vậy ‘Chim có tổ người có tông’ là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về ý nghĩa câu tục ngữ ấy trong bài viết dưới đây nhé!
1. “Chim có tổ người có tông” nghĩa là gì?
- Chim có tổ: Như chúng ta đã biết, trước khi sinh ra chim non, chim mẹ thường tự làm tổ rồi đẻ trứng. Sau khi những chú chim non nở ra, chúng sống trong tổ của mình và chờ mẹ mang đồ ăn về. “Tổ” ở đây được hiểu là nơi gắn bó, là nhà và là nơi chim non ra đời, trưởng thành.
- Người có tông: Mỗi người đều có nguồn gốc, nguồn cội. Từ “tông” ở đây được hiểu là tổ tông, nòi giống. Ý chỉ dòng dõi, dòng máu của mỗi người.
Như vậy, giống như con chim non có tổ, mỗi người chúng ta cũng có tổ tiên, cội nguồn. Sống trên đời phải luôn nhớ về nơi mình được sinh ra, gắn bó, luôn biết ơn và nhớ tới những người có công sinh thành, dưỡng dục mình. Câu tục ngữ “Chim có tổ người có tông” cũng thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn bao đời nay của dân tộc ta.
2. Bài học từ câu tục ngữ “Chim có tổ người có tông”
Như chúng ta đã biết, tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn nhằm truyền lại kinh nghiệm cũng như bài học cho đời sau. Câu tục ngữ “Chim có tổ người có tông” cũng chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa.
2.1 Nhắc nhở chúng ta nhớ về cội nguồn
Chúng ta đều trường thành và trở thành những người bận rộn. Công việc và cuộc sống cuốn ta đi khiến đôi khi ta không còn thời gian để nghĩ về cội nguồn, nhớ về cha mẹ hay những người thân thương. Mỗi khi câu nói này cất lên, nó sẽ như lời nhắc nhở. Đã bao lâu rồi bạn chưa về nhà? Đã bao lâu rồi bạn chưa gọi điện thoại cho mẹ nhiều hơn 5 phút? Hãy nghĩ đến cha mẹ và cố gắng trở thành một người con có hiếu nhé!
2.2 Nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn
Bên cạnh việc khuyên chúng ta nhớ về cội nguồn, câu tục ngữ “Chim có tổ người có tông” còn nhắc nhở về lòng biết ơn trong cuộc sống. Lòng biết ơn vốn là tình cảm đẹp và thiêng liêng của mỗi con người. Hãy nhớ rằng phải có cha mẹ mới có chúng ta của ngày hôm nay. Thể hiện lòng biết ơn bằng hành động hay tình cảm đều cần thiết. Bạn có thể quan tâm cha mẹ nhiều hơn bằng cách hỏi thăm hàng ngày, mua cho mẹ vài món ăn ngon, ngồi nói chuyện với bố. Hãy biết ơn những người nuôi nấng sinh thành ra mình bạn nhé!
Xem thêm: ‘Chim khôn kêu tiếng rảnh rang’, câu ca dao dạy con người cách ứng xử khéo léo bằng lời nói
2.3 Gắn kết thế hệ
Như chúng ta đã biết, khi còn nhỏ mỗi đứa trẻ luôn có sự gắn kết chặt chẽ với gia đình. Càng lớn, cuộc sống bộn bề cũng như khoảng cách giữa các thế hệ càng đẩy ta ra xa hơn. Đôi khi ta ngại ngùng khi chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với cha mẹ. Thời gian trôi qua, sự gắn kết ấy trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.
Câu tục ngữ “Chim có tổ người có tông” như đánh thức mỗi người: Dù có đi xa bao nhiêu, dù có trưởng thành đến nhường nào thì cũng phải nhớ về người đã cho ta sinh mệnh, nuôi nấng, dạy dỗ ta, nhớ về nơi mình đã sinh ra, gắn bó và trường thành. Có tổ tiên, có nguồn cội không chỉ là một chuyện đáng tự hào mà còn có nghĩa là ta luôn có nơi để trở về, để được gắn kết và yêu thương vô điều kiện.
2.4 Thúc đẩy giá trị tinh thần, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Dân tộc Việt Nam có được ngày hôm nay chính là nhờ công lao của thế hệ ông cha đi trước. Chúng ta lớn lên với lời kể về sự tích Thánh Gióng, sự tích Sơn tinh, Thủy tinh. Ta được học về lịch sử, được sống trong truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Chim có tổ người có tông”...
Vì vậy, gìn giữ và phát huy những truyền thống, giá trị tinh thần tốt đẹp vừa là trách nhiệm vừa niềm tự hào của mỗi người con đất Việt.
Xem thêm: Ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ 'ăn quả nhớ kẻ trồng cây'
3. Những câu tục ngữ, thành ngữ bàn về cội nguồn
Trong dân gian có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ thể hiện được truyền thống nhớ về cội nguồn cũng như lòng biết ơn đối với tổ tiên. Dưới đây là một số ví dụ mà bạn có thể tham khảo.
1. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
2. Uống nước nhớ nguồn.
3. Lá rụng về cội .
4. Quê cha đất tổ.
5. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
6. Đường mòn ân nghĩa không mòn.
7. Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa.
8. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
9. Sống Tết, chết giỗ.
10. Ăn cây nào, rào cây ấy.
11. Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
12. Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi.
13. Ơn ai một chút chớ quên, oán ai một chút để bên dạ dày.
14. Ta về, ta tắm ao ta
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.
15. Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ, mới là chân tu.
16. Nước có nguồn, cây có gốc.
17. Trời sinh có biển có nguồn
Có ta, có bạn, còn buồn nỗi chi?
18. Con người có cố có ông
Như cây có cội, như sông có nguồn.
19. Con có cha có mẹ đẻ
Không ai ở lỗ nẻ mà lên.
Có thể thấy, câu tục ngữ “Chim có tổ người có tông” đã nhắc nhở chúng ta sống phải biết nhớ về cội nguồn, nhớ về nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên. Mong rằng bài viết trên đã mang lại một cái nhìn sâu sắc hơn cho bạn đọc về truyền thống ngàn đời của dân tộc.
Nguồn ảnh: Internet