Thẳng thắn là một đức tính đáng trân quý và không phải ai cũng có. Tính thẳng thắn cũng được thể hiện qua nhiều câu tục ngữ, thành ngữ của Việt Nam, trong đó có câu “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ”. Vậy ý nghĩa của câu tục ngữ đó là gì và liệu thẳng thắn có thật sự tốt?
1. “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ” nghĩa là gì?
Nằm trong số những câu thành ngữ quen thuộc với nhiều người, “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ” mượn hình ảnh công việc hằng ngày của người thợ mộc để hàm ý một đức tính tốt đẹp của con người.
Đầu tiên, cần hiểu “mực tàu” là loại mực đen được làm thành thỏi dùng để vẽ hoặc viết thư pháp, trước khi dùng cần phải mài vào nước để thành dạng lỏng. “Thẳng mực tàu” ám chỉ cách người thợ mộc sử dụng loại này.
Thông thường, người thợ mộc sẽ dùng một sợi dây nhỏ thấm mực tàu, sau đó căng dây cho thẳng và đè lên trên mặt miếng gỗ, búng nhẹ để sợi dây chạm vào mặt gỗ và tạo ra những vết mực theo đường thẳng. Người thợ sẽ nhờ vào vết mực đó để cưa hoặc đẽo gọt một miếng gỗ cong, vênh trở nên thẳng thớm.
Bên cạnh đó, câu thành ngữ còn có cụm “đau lòng gỗ”, tức là một miếng gỗ thuần túy sẽ không có nhiều giá trị sử dụng. Sau khi qua bàn tay người thợ mộc bào chuốt, đẽo gọt theo đường mực tàu, giá trị miếng gỗ sẽ được nâng lên.
Tuy nhiên, khi nhắc đến câu thành ngữ “thẳng mực tàu đau lòng gỗ” người ta lại liên tưởng nhiều về những ẩn ý đằng sau. Một miếng gỗ nguyên thủy thường sẽ cong vênh, xấu xí. Chính nhờ vào sự bào chuốt, đẽo gọt mà chúng mới có thể trở thành ngay thẳng, hữu dụng, có giá trị.
Cũng giống như con người, khi sinh ra không ai là hoàn hảo, thập toàn thập mỹ, chúng ta luôn mang trong mình những thói hư, tật xấu,... Để trở thành một người có ích cho gia đình, xã hội, chúng ta không thể dựa vào suy nghĩ chủ quan của bản thân mình, mà còn cần phải có những “đường mực” thẳng, để noi theo trong việc “bào chuốt, đẽo gọt” bản thân.
Lớn lên chúng ta bước vào đời, cũng không khó bắt gặp những “đường mực thẳng”, những khuôn thước để có thể học tập và noi theo. Khi làm việc ở một cơ quan, công sở, bạn sẽ phải tuân thủ nội quy; khi tham gia vào tổ chức, hội nhóm… bạn phải tuân thủ điều lệ. Nói rộng ra, tức là con người cần phải sống theo những chuẩn mực nhất định nào đó đã được xã hội chấp nhận.
Khi tuân thủ được những khuôn thước, chuẩn mực chung chúng ta sẽ loại bỏ được những chỗ “cong vênh” của mình để có thể trở thành một “thanh gỗ thẳng’ có giá trị. Có thể trong quá trình ấy, có những lúc bạn muốn chối bỏ, không chịu tiếp thu và thay đổi, nhưng hãy nhớ rằng khi biết chấp nhận những chỗ “đau lòng gỗ” chính là cách tốt nhất để bạn tu dưỡng bản thân, hoàn thiện chính mình.
Rõ ràng, chính nhờ sự “đau lòng” ấy mà miếng gỗ sần xù, xấu xí trở nên đẹp đẽ, và chúng ta cũng nhờ vào sự uốn nắn, rèn giũa của gia đình, nhà trường, xã hội mới có thể trở thành một người tài đức.
Xem thêm: ‘Thẳng như ruột ngựa’ - câu thành ngữ ngắn gọn, súc tích nói lên đức tính tốt đẹp của con người
2. “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ” - một ý nghĩa khác về sự thẳng thắn
Bên cạnh ý nghĩa về việc rèn giũa bản thân để trở thành một người tài đức vẹn toàn, câu thành ngữ “thẳng mực tàu đau lòng gỗ” còn mang đến một ý nghĩa về một đức tính tốt của con người, đó là thẳng thắn.
Người thẳng thắn luôn sống thật, dám nói ra những suy nghĩ và những có hành động mà người khác không dám nói cũng như không dám làm. Trong các mối quan hệ thân thiết bền vững, tính thẳng thắn rất được đề cao. Thẳng thắn giúp người khác biết được điểm yếu của bản thân để khắc phục, từ đó đem lại những thay đổi tích cực cho công việc cũng như cuộc sống.
Thẳng thắn là tốt, nhưng thẳng thắn phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng người bởi vì thẳng quá cũng sẽ phản tác dụng, đem lại sự tổn thương và khó chịu cho người nghe thậm chí khiến họ ganh ghét. Và cũng nên hiểu rõ, thẳng thắn là để giúp người khác tốt lên chứ không phải lăm le soi mói, công kích cá nhân, nghĩ gì nói nấy, cọc cằn thô lỗ, chỉ nói những cái xấu mà không đề cập đến cái tốt của người khác.
Ông bà ta đã có câu “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Con người ai ai cũng đều thích nghe những lời ngọt ngào tốt đẹp, khen ngợi, động viên chứ không phải những lời nói thiếu chừng mực. Chính vì thế, hãy thẳng thắn một cách khéo léo, tế nhị.
Chúng ta chỉ cần lựa chọn những lời nói phù hợp với người nghe và hoàn cảnh, khéo léo dẫn dắt mọi thứ theo hướng cởi mở, nhẹ nhàng thì sẽ khiến người nghe cảm nhận được thành ý và vui vẻ tiếp thu một cách thoải mái.
Suy cho cùng, thẳng thắn tốt hay xấu còn phụ thuộc vào cách biểu đạt của người nói. Có tình huống cần sự thẳng thắn, cũng như có tình huống sự thẳng thắn lại khiến người khác bị tổn thương như câu thành ngữ, tục ngữ “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ” đã nói. Do đó, ứng xử khéo léo không bao giờ thua thiệt dù là trong mối quan hệ gia đình hay các mối quan hệ bên ngoài khác.
Xem thêm: Học cách sống là chính mình, thẳng thắn, trung thực qua câu tục ngữ ‘Cây ngay không sợ chết đứng’
3. Những câu ca dao tục ngữ, thành ngữ về sự ngay thẳng, thẳng thắn
Tương tự như “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ”, tính thẳng thắn được ông bà ta ngày xưa đề cập rất nhiều trong các câu tục ngữ, thành ngữ. Cùng điểm qua một số câu dưới đây nhé.
- Cây ngay không sợ chết đứng
- Thẳng như ruột ngựa.
- Ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành.
- Thuốc đắng giã tật. Sự thật mất lòng
- Mất lòng trước, được lòng sau.
- Một lần bất tín, vạn lần bất tin.
- Cây ngay bóng thẳng, cây cong bóng vẹo.
- Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng.
- Thật thà ma vật không chết.
- Thật thà là cha quỷ quái.
- Những người tính nết thật thà
Đi đâu cũng được người ta tin dùng. - Chớ nghe lời phỉnh tiếng phờ
Thò tay vào lờ mắc kẹt cái hom. - Khôn ngoan chẳng lọ thật thà
Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy. - Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong gian hiểm giết người không đao. - Đời loạn mới biết tôi trung
Tuế hàn mới biết bá tùng kiên tâm.
Xem thêm: 16 câu tục ngữ, thành ngữ nói về lòng dũng cảm nâng cao giá trị con người
- Người gian thì sợ người ngay
Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo. - Nhà nghèo yêu kẻ thật thà
Nhà quan yêu kẻ giàu ra nịnh thần. - Đừng bảo rằng trời không tai
Nói đơm nói đặt cậy tài mà chi. - Tu thân rồi mới tề gia
Lòng ngay nói thật gian tà mặc ai. - Của phi nghĩa có giàu đâu,
Ở cho ngay thẳng giàu sau mới bền.
Trên đây là giải thích ý nghĩa của câu thành ngữ “Thẳng mực tàu đau lòng gỗ” là gì. Hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ và có thể vận dụng trong cuộc sống.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet