- Thơ về kháng chiến chống Pháp
- Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tác giả: Tố Hữu)
- Cá nước (Tác giả: Tố Hữu)
- Đồng chí (Tác giả: Chính Hữu)
- Tây Tiến (Tác giả: Quang Dũng)
- Ngày về (Tác giả: Chính Hữu)
- Bao giờ trở lại (Tác giả: Hoàng Trung Thông)
- Đất nước (Tác giả: Nguyễn Đình Thi)
- Núi Đôi (Tác giả: Vũ Cao)
- Bên Kia Sông Đuống (Tác giả: Hoàng Cầm)
- Thơ về kháng chiến chống Mỹ
- Tổng hợp những bài thơ hay về kháng chiến được viết sau 1975
- Khoảng lặng yên tháng tư (Tác giả: Ngô Thế Oanh)
- Về với mẹ thôi (Tác giả: Cao Hùng Cường)
- Thư gửi mẹ (Tác giả: Trần Đăng Khoa)
- Lính chiến gặp nhau (Tác giả: Nguyễn Đình Huân)
- Nghĩa trang trong rừng đước (Tác giả: Nguyễn Duy)
- Có một thời như thế (Tác giả: Trần Bá Căn)
- Bộ đội màu xanh (Tác giả: Phan Huy Hùng)
- Lý ngựa ô ở hai vùng đất (Tác giả: Phạm Ngọc Cảnh)
- Giặt áo trên sông Bạch Ðằng (Tác giả: Thi Hoàng)
Dân tộc ta đã phải mất 30 năm chiến đấu kiên cường trước Pháp và Mỹ (1945-1975) mới thành công giành lại tự do. Trong giai đoạn ấy đã có vô vàn những bài thơ về kháng chiến được ra đời. Những vần thơ về kháng chiến luôn mang sự hùng hồn, mạnh mẽ và ý chí quyết tâm sắt đá. Đó không chỉ là lời tuyên thệ sẵn sàng hy sinh vì đất nước, mà còn là những nỗi đau, là lòng biết ơn mà những người ở lại nguyện viết nên vì những anh hùng dân tộc.
Thơ về kháng chiến chống Pháp
Những bài thơ về người lính kháng chiến chống Pháp, được viết nên ngay trong thời kỳ rối ren và nguy hiểm nhất. Ở đó có ý chí hừng hực của tuổi trẻ, có sự quyết đoán và dứt khoát của những vị anh hùng thời chiến.
Thời kỳ kháng chiến chống lại thực dân Pháp, là một trong những thời kỳ lịch sử đau buồn nhất của dân tộc ta. Tuy nhiên, đó cũng là lúc hàng ngàn, hàng vạn anh hùng Việt Nam nguyện ý quên mình, sẵn sàng cống hiến sinh mạng vì độc lập tự do của dân tộc.
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tác giả: Tố Hữu)
Tin về nửa đêm
Hỏa tốc hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn đỏ lửa...
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!
Kháng chiến ba nghìn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hòa vui chung.
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí, thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây, gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.
Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống!
Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng:
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.
Lũ chúng nó phải hàng, phải chết,
Quyết trận này quét sạch Điện Biên!
Quân giặc điên
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời?
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt!
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt!
Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta!
Chúng bay chỉ một đường ra:
Một là tử địa, hai là tù binh.
Hạ súng xuống, rùng mình run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!
Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy
Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!
Trông: Bốn mặt, luỹ hầm sập đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!
Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo...
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác, giờ này đợi trông.
Đồng chí Phạm Văn Đồng
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành.
Ngày mai, vào cuộc đấu tranh
Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn, Smít
Anh sẽ nói: “Thực dân, phát-xít
Đã tàn rồi!
Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập, hoà bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
Nước chúng tôi và nước các anh.
Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa.
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên!
(Năm 1954)
Cá nước (Tác giả: Tố Hữu)
Tôi ở Vĩnh Yên lên
Anh trên Sơn Cốt xuống
Gặp nhau lưng đèo Nhe
Bóng tre trùm mát rượi.
Anh là Vệ quốc quân
Tôi là người cán bộ
Hai đứa mỏi nhừ chân
Nghỉ hơi ngồi một chỗ.
Gặp nhau mới lần đầu
Họ tên nào có biết?
Anh người đâu, tôi đâu
Gần nhau là thân thiết.
Một thoáng lặng nhìn nhau
Mắt đã tìm hỏi chuyện
Đôi bộ áo quần nâu
Đã âm thầm thương mến.
Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!
Tôi nhích lại gần anh
Người bạn đường anh dũng
Anh chiến sĩ hiền lành
Tỳ tay trên mũi súng.
Anh kể chuyện tôi nghe
Trận chợ Đồn, chợ Rã
Ta đánh giặc chạy re
Hai đứa cười ha hả.
Rồi Bông Lau, Ỷ La
Ba trăm thằng tan xác
Cành cây móc thịt da
Thối inh rừng Việt Bắc.
Tàu giặc đắm sông Lô
Tha hồ mà uống nước
Máu tanh đến bây giờ
Chưa tan mùi bữa trước.
Mồm anh nở rất tươi
Mặt anh vàng thắm lại
Cánh đồng quê tháng mười
Thơm nức mùa gặt hái...
Xa xôi đầu xóm tre xanh
Có bà ru cháu nằm khoanh lòng già:
“Cháu ơi cháu lớn vái bà
Bố mày đi đánh giặc xa chưa về
Cháu ngoan cháu ngủ đi nhe
Mẹ mày ra chợ bán chè bán rau
Bố đi đánh giặc còn lâu
Mẹ mày cày cấy ruộng sâu tối ngày”
Anh có nghe thấy không
Ơi người anh Vệ quốc?
Chắc có lúc lòng anh
Nhớ nhà anh nhớ lắm
Ơi người bạn hiền lành
Mắt nhìn xa đăm đắm...
Trưa nay trên đèo cao
Ta say sưa vài phút
Chia nhau điếu thuốc lào
Nào anh hút tôi hút.
Rồi lát nữa chia đôi
Anh về xuôi tôi ngược
Lòng anh và lòng tôi
Mang nặng tình cá nước...
(Năm 1947)
Đồng chí (Tác giả: Chính Hữu)
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá, chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
(Năm 1948)
Tây Tiến (Tác giả: Quang Dũng)
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
(Năm 1948)
Ngày về (Tác giả: Chính Hữu)
Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương
Nguy nga sao cái buổi lên đường
Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc
A ha! nhà xiêu mái sập
Xác oan cừu ngập lối chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
Mịt mù khói ngợp
Cờ máu huy hoàng
Phất nắng
Ôi bài chiến thắng reo vang.
(Năm 1947)
Bao giờ trở lại (Tác giả: Hoàng Trung Thông)
Các anh đi
Ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh đi
Bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong
Làng tôi nghèo
Nho nhỏ bên sông
Gió bấc lạnh lùng
Thổi vào mái rạ
Làng tôi nghèo
Gió mưa tơi tả
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi
Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về
Từ lưng đèo
Dốc núi mù che
Các anh về
Xôn xao làng tôi bé nhỏ
Nhà lá đơn sơ
Nhưng tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau
Anh giờ đánh giặc nơi đâu
Chiềng Vàng, Vụ Bản, hay vào Trị Thiên
Làng tôi thắng lợi vụ chiêm
Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vồng
Giảm tô hai vụ vừa xong
Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường
Dẫu rằng núi gió đèo sương
So máu anh nhuộm chiến trường thấm chi
Bấm tay tính buổi anh đi
Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về?
Lúa xanh xanh ngắt chân đê
Anh đi là để giữ quê quán mình
Cây đa, bến nước, sân đình
Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường
Hoa cau thơm ngát đầu nương
Anh đi là giữ tình thương dạt dào
Các anh đi
Khi nào trở lại
Xóm làng tôi
Trai gái vẫn chờ mong
Chờ mong chiến dịch thành công
Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ
Anh đi chín đợi mười chờ
Tin thường thắng trận, bao giờ về anh?
(Năm 1955)
Đất nước (Tác giả: Nguyễn Đình Thi)
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da...
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
(Năm 1948)
Núi Đôi (Tác giả: Vũ Cao)
Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh: sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi!
Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngơ chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi, đành lỗi hẹn
Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau.
Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mấy bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục, núi Đôi chăng?
Anh nghĩ, quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vành đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.
Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông?
Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn, anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi.
Mới tới đầu ao, tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành, chết thuỷ chung!
Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông bờ có con đường quen.
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em!
Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo:
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong;
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?
Từ núi qua thôn, dường nghẽn lối
Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao, nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay
Cha mẹ đưa nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau.
Anh nghe có tiếng người qua chợ:
Ta gắng: mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu!
Nhưng núi còn kia, anh vẫn nhớ.
Oán thù còn đó, anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này!
Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
(Năm 1955)
Bên Kia Sông Đuống (Tác giả: Hoàng Cầm)
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm đồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng
mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu? Về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Tràm chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa màu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu? Về đâu?
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu díu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
-- Con là ai? -- Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
-- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
"À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù"
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
"Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu..."
Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đã tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
(Năm 1948)
Xem thêm:
25 bài thơ về Đảng sâu sắc, tràn đầy tình yêu quê hương đất nước
24 bài thơ về kháng chiến anh hùng bất khuất
26 bài thơ về anh hùng liệt sỹ chân thành, xúc động
Thơ về kháng chiến chống Mỹ
Sau khi trải qua nhiều năm gian khổ, dân tộc Việt Nam lại phải tiếp tục chiến đấu chống lại sự xâm lược của Đế Quốc Mỹ. Lúc này, với sự thành công đã đạt được cộng với niềm tin sắt đá vào sự dẫn dắt của Đảng, những bài thơ về kháng chiến chống Mỹ cũng được thổi thêm một làn gió mới.
Thơ về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vẫn nhuốm đậm màu sắc đau buồn, thế nhưng trong đó lại lóe lên những tia hy vọng. Ở đó, những lời hứa hẹn đầy chắc chắn về một ngày mai tươi sáng được cất lên, bởi lẽ nền độc lập tự chủ của Việt Nam đã và đang gần ngay trước mắt.
Trường Sơn Ðông, Trường Sơn Tây (Tác giả: Phạm Tiến Duật)
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn đông với Trường Sơn tây
Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa khí trời cũng khác
Như anh với em như nam với bắc
Như đông với tây một dải rừng liền
Trường Sơn tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không?
Em thương anh bên tây mùa đông
Nước khe cạn bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù
Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư
Ðường sang tây không phải đường thư
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "Ba sẵn sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn, bộ đội áo màu xanh
Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn, nối Tây Trường Sơn.
(Năm 1969)
Dáng đứng Việt Nam (Tác giả: Lê Anh Xuân)
Anh - niềm tự hào của tổ quốc
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đoàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng
Như đôi dép dưới chân Anh dẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.
(Năm 1968)
Cuộc chia ly màu đỏ (Tác giả: Nguyễn Mỹ)
Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau
Ðó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai sắc hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang bừng trên nét mặt
- Một rạng đông với màu hồng ngọc
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Ðã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá cây si
Và người chồng ấy đã ra đi...
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
"Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau..."
Tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét...
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly...
(Năm 1964)
Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Tác giả: Phạm Tiến Duật)
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Ðã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(Năm 1969)
Người cắt dây thép gai (Tác giả: Hoàng Nhuận Cầm)
Dây thép gai con cò không đậu được
Nghe tiếng ru hời, sao cò cứ bay xa.
Anh cắt chúng đi cho con cò bay lại
Trong đêm khuya, tiếng vỗ cánh trên đầu.
Thương cây cùng thương đất như nhau,
Nên anh khóc khi nhìn cây nhựa chảy.
Con sông gẫy và nhịp cầu cũng gẫy
Ðâu bóng em anh chải tóc hàng ngày.
Cánh cò bay... cánh trắng... con cò bay
Gió từ cánh con cò nào thổi dậy.
Ðất nước mình bao năm chia cắt đấy
Anh nói gì trong hai bàn tay
Và rơi xuống hàng rào thứ nhất!
Cỏ lại hát những lời riêng của đất
Nhựa lại về nối lại những cành cây
Cò ơi... về đây!... Ðừng bay, đừng bay.
Anh đã cắt đến hàng rào thứ hai
Nhịp cầu gẫy bây giờ chưa liền lại
Ðấy là nhịp cầu sang nhà bạn gái
Có bóng em anh soi xuống hiền hòa.
Anh đã cắt sang hàng rào thứ ba
Con sông đứt khúc bây giờ lại chảy
Bong bóng mưa và những con cá nhảy
Tôm búng càng kỷ niệm mãi ngân rung...
Ðã cắt đến hàng rào cuối cùng.
Các đồng chí ơi, xung phong!
Người cắt dây thép gai đã cắt xong
Ðứng dậy nghe đất nước núi sông mình
Bao năm cắt chia đang liền lại.
(Năm 1971)
Quê hương (Tác giả: Giang Nam)
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được…
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích…
***
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại…
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…
***
Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa…
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi…
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
(Năm 1960)
Xem thêm:
Cap về tình yêu người lính hài hước và cảm động
24 bài thơ về lòng yêu nước hào sảng, khí thế
47 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng yêu nước
Tổng hợp những bài thơ hay về kháng chiến được viết sau 1975
Đã nhắc đến thơ về kháng chiến, thì không thể bỏ qua những áng thơ đầy tình cảm và xúc động về hình ảnh người lính. Những người lính đã ngã xuống và cả những người còn ở lại, tất cả họ đều là niềm tự hào, là anh hùng của dân tộc ta.
Bạn có thể tìm thấy những hình ảnh rất đỗi bình dị và gần gũi về người lính qua thơ về kháng chiến. Đồng thời qua đó, ta cũng có thể cảm nhận được nỗi đau của những người mẹ anh hùng dân tộc, thấu hiểu được phần nào những hy sinh và đau đớn của họ.
Khoảng lặng yên tháng tư (Tác giả: Ngô Thế Oanh)
Tôi chưa bao giờ gặp đâu một bầu trời như thế
Bầu trời trong cao rộng khác thường
Những hàng me vừa mùa thay lá
Sắc xanh non tuôn sáng những bờ đường
Sau cơn mưa thành phố như gương
Lấp lánh những tường nhà khuôn mặt
Những lá cờ trên những ô cửa sổ đỏ tươi
Những lá cờ... Không hiểu sao tôi bỗng rưng nước mắt
Mặt trời thật giản dị trên cao
Quân phục đẫm mồ hôi bụi khát
Những vòm sao cao vút trên đầu
Cụm mây trắng tinh di động về đâu
Đồng đội của tôi đồng đội của tôi
Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng
Bỗng thấm thía hơi ấm bàn tay bạn
Đất dịu mát dưới chân không sao thốt lên lời
Khoảnh khắc thành phố đường lặng yên
Lặng yên hàng cây
Lặng yên vòm trời
Lặng yên những căn nhà
Lặng yên những lá cờ trong nắng
Lặng yên nét cười thắm sâu mắt bạn
Khoảnh khắc thành phố như mặt biển
Rồi tất cả trào lên cuồn cuộn thủy triều.
(Năm 1975)
Về với mẹ thôi (Tác giả: Cao Hùng Cường)
Hoà bình rồi, ta về với mẹ thôi...
Con đang đợi, vợ đang chờ bên cửa
Bên gia đình, đón bao niềm vui nữa
Cùng xóm làng, nhen ngọn lửa tình người.
Hoà bình rồi, đời lại rộn tiếng cười
Cuộc sống yên vui, sáng ngời đôi mắt
Đồng đội tìm nhau, niềm vui gặp mặt
Ta lại cùng nhau, hái nhặt yêu thương.
Ôi hoà bình, hai tiếng tưởng xa xôi
Đến bất chợt, niềm vui sao nhanh quá
Những mất mát, đau thương không thể xóa
Theo mãi trong đời, người lính chúng ta...
Xin đặt lên mộ Đồng đội, những vòng hoa
Những chiến công, dành các anh tất cả
Cuộc sống sau này, bộn bề vất vả
Không thể quên, người đã ngã hôm nay...
(Năm 1975)
Thư gửi mẹ (Tác giả: Trần Đăng Khoa)
Nỗi lòng gửi mẹ
Mẹ ơi, có thể trong cuộc chiến đấu này
Con sẽ ngã xuống
Ngã xuống bình thường
Như bao đồng đội của con
Để mái nhà gianh mẹ được yên ả
Dưới sắc nắng vàng...
Và, có thể là, sáng mai bừng mắt ra
Mẹ sẽ nhận về một tờ giấy
Như nhiều bà mẹ ở làng
Tờ giấy mỏng manh
Nhưng lại nặng hơn ngàn tấn bom
Trút xuống tuổi già của mẹ
Cho dù thế, mẹ cũng đừng khóc nhé
Con không chết đâu
Xin mẹ cứ đọc Kiều
Cho căn nhà trở lại yên tĩnh
Dưới bóng cây bảng lảng hoàng hôn
Xin mẹ cứ ngồi tựa cửa chờ con
Như những ngày xưa
Mỗi chiều đi học về
Và mẹ lại lắng nghe
Tiếng bước chân bầy trẻ nhỏ
Chúng ôm sách, bá vai nhau, rúc rích cười
Đi ngang qua cửa sổ
Đi ngang qua chiều
Yên tĩnh
Và đêm xuống
Đầy nhà
Đầy vườn
Đầy cả bầu trời...
Đêm ấm áp và mượt như lụa
Xin mẹ đừng khép cửa
Để gió vào
Gió hát trong căn nhà của mẹ
Những khao khát của trời mây
Và mẹ sẽ thiếp đi lúc nào không hay
Đến nỗi mẹ chẳng biết được
Thằng con trai mẹ về
Trong làn gió mát
Làn gió đã đi khắp trái đất
Hát ru những bà mẹ không con...
(Năm 1979)
Lính chiến gặp nhau (Tác giả: Nguyễn Đình Huân)
Hơn bốn chục năm sóng gió phong ba
Cả hai anh vẫn cứ là chiến sĩ
Như ngày xưa bên nhau thời đánh Mỹ
Rừng Trường Sơn thành Quảng Trị năm xưa.
Những người lính đã từng trải nắng mưa
Có những trận đánh như đùa mà thắng
Nay gặp nhau hai mái đầu bạc trắng
Vẫn vẹn tròn với nghĩa nặng tình quê.
Nhớ cánh cò nơi xóm nhỏ chân đê
Bến sông xưa ai đã thề yêu mãi
Nụ hôn đầu trao cho cô bạn gái
Hẹn ngày về mùa hoa cải vàng bông.
Chẳng nhắc về những đóng góp chiến công
Nhắc đồng đội những đứa không còn nữa
Nằm lại rừng sâu một thời khói lửa
Những anh hùng mãi mãi thuở hai mươi.
Khi chia tay ôm nhau nở nụ cười
Thắm thiết như xưa của người lính chiến
Hào sảng vô tư thiệt tình lưu luyến
Hai người lính già mãn nguyện bên nhau.
(Năm 2018)
Nghĩa trang trong rừng đước (Tác giả: Nguyễn Duy)
Ðắp cho anh nấm đất mặn nơi này
Nơi anh ngã muối ngấm vào vết đạn
Xót thịt xót xương, xót người nằm xuống
Thủy triều lên nấm mộ cũng ngập chìm
Rừng đước này chưa bao giờ lặng im
Lấn ra biển suốt ngàn năm bão táp
Người đất này chưa một ngày bình yên
Sống lau lách cả trăm năm giữ đất
Người còn sống đi đón người đã khuất
Xuống ghe đưa các anh về nghĩa trang
Từ hoang vắng mọi ngả rừng, gốc rạch
Các anh về đây ở thành xóm thành làng.
Mút mắt là biển khơi và rừng đước đại ngàn
Cồn cào gió và cồn cào sóng vỗ
Gốc đước già tạc mộ chí cho anh
Có đá của lòng người trong thớ gỗ.
Hàng chữ đọng sơn như mắt người ứa lệ
Như mắt người nhìn nhau
Như lời ai rơm rớm trên hàng hàng bia mộ
Có những người không quê ở Cà Mau!
(Năm 1977)
Có một thời như thế (Tác giả: Trần Bá Căn)
Có một thời như thế chẳng hề quên
Là người lính - người quân nhân cách mạng
Dẫu chiến tranh nhưng tâm hồn lãng mạn
Dấu tâm tình trong đáy cóc ba lô.
Có một thời cháy bỏng những mùa khô
Rừng Tây Nguyên cây trút tàn chiếc lá
Còn vũng nước cũng tranh nhau vội vã
Thú với người tranh thủ uống thay nhau.
Rất nhiều lần nén chặt nỗi buồn đau
Khi đồng đội máu tuôn trào gục xuống
Trong chiến tranh dẫu rằng không ai muốn
Vì biên cương mà chấp nhận hy sinh.
Có một thời vì tổ quốc quên mình
Vẫn nhớ thương một bóng hình kiều nữ
Vẫn khát khao một tình yêu lắm chứ !
Bởi bản năng tạo hoá đã ban rồi.
Có một thời để nhớ mãi trong tôi
Đã tiến bước dưới quân kì quyết thắng
Bất chấp đạn bom, kể chi trời mưa nắng
Súng chắc tay- thời đó mãi sao quên.
Có một thời... Đồng đội mãi gọi tên....!
Bộ đội màu xanh (Tác giả: Phan Huy Hùng)
Cơn mưa rừng suối khe hung dữ
Quét tan nhà cửa, chia cắt dân
Các anh áo xanh màu Tổ quốc
Hàn đắp vết thương nối xóm làng.
Sao trên mũ tỏa ánh hào quang
Như năm ngón tay Bác Hồ chỉ lối
Dân như nước nuôi cá bộ đội
Không một ai có thể tách rời!
Hoà bình giặc núp khắp mọi nơi
Lấp niềm tin bao người lạc hướng
Màu áo xanh gieo mầm sự sống
Tình quân dân càng đẫm sắc màu.
Đánh giặc nội xâm không súng gươm
Bằng nhân nghĩa, trái tim trong sạch
Những quốc nạn dần dần lẩn tránh
Bộ đội vì dân khi Tổ quốc cần …
Các anh là trụ cột của thời gian
Bộ đội áo xanh không phai màu đất nước
Trái tim yêu máu căng lồng ngực
Bám đất, giữ trời sáng rực tuổi Xuân!
Lý ngựa ô ở hai vùng đất (Tác giả: Phạm Ngọc Cảnh)
Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu
Gặp câu hát bền lòng rong ruổi mãi
Đường đánh giặc trẩy xuôi về bến bãi
Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu
Hóa vô tận bao điều mơ tưởng ấy
Bao câu hát ông cha mình gởi lại
Sao em thương câu lý ngựa ô này
Sao anh nghe đến lần nào cũng vậy
Sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy
Chỉ riêng mình em hát với anh đây.
Làng anh ở ven sông
Sắp vào tháng tư
Mắt tình tứ rủ nhau về hội Gióng
Mùi hương xông nụ cười lên nhẹ bổng
Ai chẳng ngỡ mình đang đi trong mây
Ai chẳng tin mình đang rong ngựa sắt
Cả một vùng sông ai chẳng hát
Sao không nghe câu lý ngựa ô này.
Thế mà bên em móng ngựa gõ mê say
Qua phá rộng duềnh doàng lên gợn sóng
Qua truông rậm
Đến bây giờ anh buộc võng
Gặp mối dây buộc ngựa gốc lim già
Suốt miền trung sông suối dày tơ nhện
Suốt miền trung núi choài ra biển
Nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua.
Anh đa tình nên cứ muốn lần theo
Xấu hổ gì đâu mà anh giấu diếm
Đêm đánh giặc mịt mù cao điểm
Vạch lá rừng nhìn xuống quê em
Mặt đất ra sao mà thúc vào điệu lý
Khuôn mặt ra sao mà suốt thời chống Mỹ
Lý ngựa ô hát đến mê người
Mỗi bước mỗi bồn chồn về đó em ơi.
Hay vì làng anh ở ven sông
Những năm gần đây tháng tư vào hội Gióng
Đã hát quen lý ngựa ô rồi
Khen câu miền trung qua truông dài phá rộng
Móng gõ mặt thời gian gõ trống
Khen câu miền nam như giục như mời
Ngựa tung bờm bay qua biển lúa
Ngựa ghìm cương nơi sông xòe chín cửa
Tiếng hí chào xa khơi...
Hay em biết quê anh ngoài đó
Câu hát bắc cầu qua một thời quan họ
Câu hát xui nhau nên vợ nên chồng
Lý ngựa ô này hát theo đường đánh giặc
Có điều gì như thể ẩn vào trong?
Em muốn về hội Gióng với anh không
Để anh khoe với họ hàng câu lý ấy
Em muốn làm dâu thì em ở lại
Lý ngựa ô xin cưới sắp về rồi
Đồng đội của anh đã trọn mùa thắng giặc
Cũng sắp về chia vui.
(Năm 1976)
Giặt áo trên sông Bạch Ðằng (Tác giả: Thi Hoàng)
Thắng Mỹ trận cuối cùng
Ta ra sông giặt áo
Với sức nước nở nang
Với tấm trời cao ráo
Thật mà sao kỳ ảo
Con thuyền ơi, con thuyền!
Giặt áo nào anh em
Hôm nay trời nắng đẹp
Nắng từ bể đông lên
Nước từ nguồn chảy xuống
Quân Nguyên, quân Nam Hán
Ở ngược dòng thời gian
Những cái chết lưu vong
Nói gì trong cát lấm
Phía Tràng Kênh đá ngóng
Phía Thủy Nguyên lúa vời
Chỉ dòng nước trôi thôi
Lòng sông thì vẫn đó
Tấm áo đầy bụi đường
Những tháng năm gian khổ
Giặt nước sông Bạch Ðằng
Gửi dòng sông bụi đỏ
Nhận của sông lịch sử
Ðể không quên, đừng quên
Ðể thấm trong vải mềm
Một dòng sông tâm khảm
Bờ gió và bờ nắng
Hong đều cho áo khô
Thấy trời đất rộng xa
Khi mặc vào tấm áo
Hồn nước non thơm thảo
Như phù sa nhân từ
Làm tươi tốt lòng ta
Tự lòng sông lớn ấy
Gió sau lưng thổi dậy
Nghe Bạch Ðằng đi bên.
(Năm 1976)
Chiến tranh luôn đi kèm với những mất mát và nỗi đau không cách nào nguôi ngoai. Vậy nên những vần thơ về kháng chiến được chính các nhà thơ từng được tiếp xúc trực tiếp với thời chiến viết nên, lại càng trở nên đáng quý và đáng trân trọng.
Hãy luôn ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn với những vị anh hùng đã ngã xuống vì dân tộc bạn nhé, bởi có họ thì mới có được một Việt Nam hòa bình và giàu mạnh như ngày nay.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.