Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bổ sung kẽm và axit folic có thực sự giúp tăng số lượng tinh trùng ở đàn ông?

(VOH) - Từ lâu, kẽm và axit folic được xem như một hoạt chất hữu hiệu trong điều trị vô sinh ở nam giới.

Tại các nhà thuốc, người ta dễ dàng tìm thấy các loại thực phẩm chức năng giúp “sinh tinh”. Tuy nhiên, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ mới đây cho biết, hiệu quả “sinh tinh” của viên bổ sung kẽm và axit folic chưa đạt đến mức như mong đợi.

Bổ sung kẽm và axit folic có thực sự giúp tăng số lượng tinh trùng ở đàn ông?

Ảnh minh họa: internet

Hiện tình trạng vô sinh ảnh hưởng đến khoảng 15% các cặp vợ chồng trên thế giới, một nửa trong số đó được cho là có thể nguyên nhân ở người đàn ông.

Theo James M. Hotaling, một chuyên gia về vô sinh ở nam giới tại Đại học Y khoa Utah (Mỹ) cho biết, hiện có nhiều loại thực phẩm chức năng có chứa kẽm và axit folic, chúng được bán dưới dạng hàng hóa không kê đơn và được cho là có thể thúc đẩy sự hình thành tinh trùng ở nam giới, giúp tăng số lượng và khả năng hoạt động của tinh trùng.

Về mặt lý thuyết, kẽm là khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của tinh trùng, axit folic giúp tổng hợp DNA của tinh trùng. Tuy nhiên, những sản phẩm trên có thực sự giúp “sinh tinh” hay không hiện vẫn chưa được xác định từ bất kỳ cuộc nghiên cứu nào.

Nghiên cứu trên do Trung tâm Y tế thuộc Đại học Utah, các trung tâm y tế khác và Viện Y tế Quốc gia Mỹ cùng phối hợp thực hiện.

Nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn 2.370 cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh đến từ Chicago, Minnesota và Iowa. Trong đó, các ông chồng được chọn ngẫu nhiên để cấp phát giả dược hoặc cho bổ sung 5 mg axit folic và 30 mg kẽm mỗi ngày trong 6 tháng.

Sau khi cuộc thử nghiệm bắt đầu, nhóm nghiên cứu đã theo dõi tình hình của các bà vợ trong vòng 18 tháng để xem họ thực hiện được khả năng sinh sản hay không.

Kết quả cho thấy, có 404 trường hợp các ông chồng được cho sử dụng thực phẩm chức năng đạt được khả năng sinh sản (chiếm 34%); con số này ở nhóm được cho sử dụng giả dược là 416 trường hợp (chiếm 35%). Rõ ràng không có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm đối tượng thử nghiệm trên. Đồng thời, các tiêu chuẩn về số lượng tinh trùng, khả năng di chuyển và hình dạng của tinh trùng ở hai nhóm đối tượng trên là khá tương đồng.

Bình luận