Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Đau mắt đỏ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

(VOH) – Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh bùng phát, trong số đó có bệnh đau mắt đỏ. Bệnh dễ lây lan và có thể bùng phát thành ổ dịch lớn trong thời gian ngắn.

Đau mắt đỏ là bệnh gì?

Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc/nhậm, là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp do virus nhóm Adeno gây ra (khoảng 80% các trường hợp). Virus có thể tồn tại trên bề mặt các đồ dùng, dụng cụ trong vòng 35 ngày, có thể lây qua việc tiếp xúc với nước bọt, gỉ mắt của người bệnh...

Ngoài ra, bệnh đau mắt đỏ còn có thể do các nguyên nhân sau gây ra:

  • Do vi khuẩn: Bao gồm các loại vi khuẩn như tụ cầu, hemophilus influenza...
  • Do các tác nhân gây dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc...): Xuất hiện trên những người có cơ địa dị ứng, bệnh thường xuất hiện tái đi tái lại có thể xuất hiện theo mùa.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây nhiễm, nhất là với những người trong cùng gia đình, người thường xuyên tiếp xúc với người bệnh.

Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ

Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em hay người lớn đều tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh

dau-mat-do-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh

Tùy vào nguyên nhân mà đau mắt đỏ có những biểu hiện khác nhau (Nguồn: Internet)

  1. Triệu chứng đau mắt đỏ do virus

Đau mắt đỏ do virus có thể lây lan thành dịch. Các triệu chứng thường gặp là:

  • Kết mạc mắt đỏ.
  • Ngứa, chảy nước mắt, có cảm giác cộm ở mắt.
  • Phù mi, xuất hiện giả mạc ở mắt.
  • Các triệu kèm theo như: ho, hắt hơi, sốt, viêm họng, nổi hạch.
  • Có cảm giác chói mắt, giảm thị lực, thâm nhiễm giác mạc.
  • Đau mắt đỏ do virus có thể xuất hiện một hoặc cả 2 bên mắt.
  1. Triệu chứng đau mắt đỏ do vi khuẩn

Nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Ngứa, chảy nước mắt.
  • Xuất hiện gỉ mắt màu xanh hay vàng, dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng.
  • Kết mạc mắt đỏ
  • Trường hợp nặng gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không hồi phục.
  • Có thể xảy ra ở một bên hoặc cả 2 bên mắt.
  1. Đau mắt đỏ do dị ứng

Đau mắt đỏ do dị ứng thường xuất hiện theo mùa, hay tái phát. Một số biểu hiện thường gặp như:

  • Chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều.
  • Thường kèm theo viêm mũi dị ứng.
  • Bệnh xảy ra ở cả 2 mắt.
  • Bệnh không lây.

Điều trị bệnh đau mắt đỏ bằng cách nào?

Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm, loét giác mạc, và có thể dẫn đến mù lòa.

dau-mat-do-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-1-voh

Bệnh đau mắt đỏ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hệ lụy về mắt (Nguồn: Internet)

Vì thế, ngay khi có những triệu chứng của đau mắt đỏ người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị sớm. Việc điều trị đau mắt đỏ sẽ tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh.

  • Đau mắt đỏ do virus: Bệnh thường tự giới hạn trong vài ngày mà không cần điều trị. Bệnh nhân có thể chườm lạnh, rửa mắt bằng nước lạnh và sạch để làm giảm bớt triệu chứng khó chịu. Hoặc có thể nhỏ nước mắt nhân tạo kèm theo kháng sinh phòng bội nhiễm.
  • Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt hoặc thuốc tra mắt để điều trị.
  • Đau mắt đỏ do dị ứng: Cần tìm ra được nguyên nhân gây dị ứng và tránh các tác nhân gây dị ứng. Điều trị bằng các loại thuốc chống dị ứng, nhỏ nước mắt nhân tạo để giảm khó chịu.

Lưu ý: Trong trường hợp bị đau mắt đỏ cấp người bệnh cần phải đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt, không được tự ý mua thuốc tra mắt vì có thể khiến bệnh nghiêm trọng hơn.

Đối với bệnh đau mắt đỏ ngoài việc điều trị bệnh theo nguyên nhân thì bạn cần thực hiện một số điều sau đây để phòng ngừa lây lan:

  • Không dụi mắt bằng tay.
  • Rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng. Giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng.
  • Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm, nhất là trước khi tra thuốc nhỏ mắt.
  • Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm trong nước tẩy và ấm.

Biện pháp giúp phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ

Giữ gìn vệ sinh là cách tốt nhất để phòng tình trạng đau mắt đỏ. Dưới đây là một vài lời khuyên mà bạn nên biết:

  • Không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa... với người khác.
  • Không dụi mắt, che miệng mũi khi hắt hơi.
  • Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hàng ngày, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Cẩn trọng khi dùng kính áp tròng, nên đi thăm khám khi có các triệu chứng khó chịu ở mắt.
  • Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất...
  • Tăng cường bổ sung vitamin A, C, E...

Bệnh đau mắt đỏ là bệnh thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nếu do virus, vi khuẩn thì có thể lây lan thành dịch và bệnh có thể để lại một số di chứng nếu không được điều trị sớm. Vì thế, khi thấy các dấu hiệu của đau mắt người bệnh nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị.

Theo tục lệ của người dân Việt Nam, vào dịp tết Đoan Ngọ, đúng giờ ngọ (12 giờ trưa) ngày mùng 5 tháng 5, người dân sẽ ra sân nhìn lên bầu trời bằng mắt trần và nháy mắt 7 lần (đối với nam), nháy mắt 9 lần (đối với nữ) để quanh năm không bị đau mắt đỏ.

Tuy nhiên, đây chỉ là tục lệ được lưu truyền từ xa xưa và mang ý nghĩa tâm linh. Theo khoa học, bệnh đau mắt đỏ thường sẽ xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa và tùy vào điều kiện, cơ địa mỗi người để bệnh phát triển, không có chuyện nhìn lên trời vào dịp tết Đoan Ngọ sẽ tránh được bệnh đau mắt đỏ. Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, cần chú trọng giữ vệ sinh cá nhân và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang matsaigon.com – Bệnh viện mắt Sài Gòn
  2. Trang vinmec.com
  3. Trang vi.wikipedia.org – Bách khoa toàn thư mở
Lẹo mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nhanh : Lẹo mắt là một dạng nhiễm trùng cấp tính xảy ra ở tuyến nhờn của mi mắt. Bệnh có thể gây đau nhức bờ mi, phù nề, làm người bệnh vô cùng khó chịu
Khô mắt nên dùng thuốc gì hiệu quả? : Khô mắt là bệnh lý rất phổ biến, nếu không khắc phục kịp thời có thể ảnh hưởng đến thị lực.