Chờ...

Chủ tịch Hội đột quỵ TPHCM: Làm gì để đột quỵ đừng xảy đến bất ngờ?

VOH - Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới với ước tính 218 ca/ 100.000 người.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM - Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 trả lời phỏng vấn VOH.

*VOH: Thưa bác sĩ, một số trường hợp đang làm việc bỗng nhiên ngã xuống và sau khi đi cấp cứu thì tử vong. Những trường hợp đó có phải do đột quỵ?

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng: Không phải trường hợp nào cũng là do đột quỵ. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa đột quỵ và đột tử do nhồi máu cơ tim cấp. Thông thường tỷ lệ tử vong đột ngột do nhồi máu cơ tim cấp, tắc động mạch, ngừng tim vẫn là nguyên nhân chủ yếu.

Thực chất của đột quỵ là do tắc mạch não. Khi mạch máu não tắc hoặc bị vỡ thường cần một chút thời gian mới có thể gây diễn tiến nặng dần cho bệnh nhân. Với những trường hợp đột quỵ, thông thường bệnh nhân đều có dấu hiệu thần kinh khu trú ở bên người trước, sau đó bệnh nhân nặng dần và tử vong.

Như trường hợp anh tài xế xấu số, khi đang lái xe đột nhiên lên cơn co giật nửa người bên trái, đầu và mắt xoay qua bên phải, cơn co giật kéo dài khoảng 1 phút. Đó là triệu chứng rất đặc biệt cho tổn thương cấp tính ở bán cầu phải. Đây có thể là xuất huyết não dẫn đến đột quỵ.

Để đột quỵ đừng xảy đến bất ngờ 1
Phó Giáo sư-Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM - Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115

*VOH: Có thể phòng ngừa đột quỵ như thế nào, thưa BS?     

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng: Hơn 90% đột quỵ đều có nguyên nhân, rất hiếm khi một bệnh nhân hoàn toàn mạnh khỏe, hoàn toàn bình thường lại xảy ra đột quỵ. Các bệnh lý gây ra đột quỵ thường gặp nhất là cao huyết áp chiếm tỷ lệ 90%, tiểu đường chiếm tỷ lệ từ 20-30%, đây là 2 yếu tố nguy cơ rất quan trọng gây nên đột quỵ cũng như đột tử do bệnh lý tim mạch.

Với người bị bệnh cao huyết áp, việc duy trì uống thuốc để giữ các chỉ số huyết áp bình thường sẽ giúp phòng ngừa rất tốt các bệnh lý đột quỵ, đột tử và tổn thương các cơ quan khác về mặt lâu dài. Riêng về đột quỵ, nếu chúng ta phòng ngừa ngay từ đầu thì sẽ giảm được 70% bệnh nhân đột quỵ      

Việc tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ và kiểm soát yếu tố nguy cơ là hết sức quan trọng. Những yếu tố nguy cơ khác như rối loạn cholesterol, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá, béo phì... Càng kiểm soát được chặt chẽ các yếu tố nguy cơ nào thì khả năng bị mắc đột quỵ càng thấp.

*VOH: Cảm ơn Bác sĩ.