Chờ...

Ghép thành công hai lá phổi cho nữ sinh viên mắc bệnh hiếm

VOH - Một bệnh nhân nữ 21 tuổi vừa được ghép 2 lá phổi thành công trong đêm 30 Tết. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay.

Nữ bệnh nhân được ghép tạng quê ở tỉnh Bắc Kạn, đang là sinh viên nhưng phải tạm dừng việc học vì mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Người bệnh phải thở oxy dài hạn tại nhà, cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh nhân mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ. Đây là một bệnh hiếm gặp, bệnh tạo các kén khí trong phổi, lan toả và làm mất chức năng phổi.

Các bác sĩ nhận định tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng bệnh nhân tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi.

Ngày 8/2 (29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.

Cùng ngày tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hoạt động lấy tạng được thực hiện từ một nam thanh niên 26 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông.

Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội,…phối hợp và hỗ trợ.

Ghép thành công hai lá phổi cho nữ sinh viên mắc bệnh hiếm 1
Ca ghép đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF.

Ca ghép thành công đã đánh dấu mốc lớn, ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng. Đặc biệt, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh.

Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.