Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Kính chặn ánh sáng xanh không bảo vệ mắt hoặc cải thiện giấc ngủ như kỳ vọng

VOH - Những chiếc kính được giới thiệu rằng ‘sẽ giúp mắt bạn tránh được tác hại của ánh sáng xanh từ màn hình’ có thể không mang lại nhiều lợi ích gì ngoài việc chỉ là một phụ kiện đeo cho đẹp.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Cơ sở dữ liệu Cochrane cho biết, kính chống ánh sáng xanh có thể không giúp người đeo giảm cảm giác mỏi mắt do máy tính cũng như không cải thiện giấc ngủ.

Các chuyên gia từ lâu đã khẳng định rằng, ánh sáng xanh phát ra từ máy tính bảng, điện thoại thông minh, tivi và màn hình máy tính có thể gây hại cho da và mắt, có khả năng dẫn đến nếp nhăn, nhức đầu, khô mắt và ngủ không ngon giấc.

Người Mỹ trưởng thành dành hàng giờ liền nhìn chằm chằm vào màn hình mỗi ngày - dù là vì công việc hay giải trí. Các thông số kỹ thuật lọc ánh sáng xanh bằng các loại kính ngăn ánh sáng xanh hứa hẹn khả năng bảo vệ và giảm bớt tia sáng của màn hình.

Xem thêm: Tác hại của ánh sáng xanh đối với sức khỏe con người

ánh sáng xanh
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng đáng kể cho thấy tính hiệu quả của kính lọc ánh sáng xanh. - Ảnh: iStockphoto

Tác giả nghiên cứu kiêm Phó giáo sư Laura Downie cho biết, trong vài năm qua, đã có một cuộc tranh luận lớn về việc liệu kính đeo mắt lọc ánh sáng xanh có giá trị trong thực hành nhãn khoa hay không.

Kính đeo mắt lọc ánh sáng xanh thường được kê đơn cho bệnh nhân ở nhiều nơi trên thế giới và có rất nhiều tuyên bố tiếp thị về những lợi ích tiềm năng của chúng, bao gồm cả việc chúng có thể giảm mỏi mắt do sử dụng thiết bị kỹ thuật số, cải thiện chất lượng giấc ngủ và bảo vệ mắt.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Laura Downie cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có thể không có lợi ích ngắn hạn nào khi sử dụng kính đeo mắt lọc ánh sáng xanh để giảm mệt mỏi thị giác liên quan đến việc sử dụng máy tính, so với kính đeo mắt không lọc ánh sáng xanh”.

Phối hợp với City, Đại học London và Đại học Monash, các nhà nghiên cứu từ Đại học Melbourne đã xem xét 17 thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đối với kính ánh sáng xanh bao gồm từ 5 - 156 người tham gia trong mỗi thử nghiệm.

Nhóm đã phân tích các nghiên cứu riêng lẻ về hiệu suất thị giác, bảo vệ võng mạc và cải thiện chất lượng giấc ngủ so với kính không lọc ánh sáng xanh.

Kết quả cho thấy, ảnh hưởng của kính lọc ánh sáng xanh tới giấc ngủ và chất lượng thị lực là “không rõ ràng” trong đánh giá của các nhà nghiên cứu và họ không thể đưa ra kết luận về “tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe võng mạc” trong thời gian dài.

Báo cáo của Đại học Melbourne không tìm thấy bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào khi đeo kính, chỉ có những hậu quả nhẹ như đau đầu hoặc khó chịu tương tự như khi đeo kính không có ánh sáng xanh.

Tuy nhiên, những phát hiện này “không hỗ trợ việc kê đơn kính lọc ánh sáng xanh cho người dân nói chung” - bà Downie nói thêm.

Hiện tại, lượng ánh sáng từ màn hình chiếm “một phần nghìn ánh sáng chúng ta nhận được từ ánh sáng ban ngày tự nhiên” và kính ánh sáng xanh chỉ lọc được 10 - 25% trong số đó.

Việc lọc ra ánh sáng xanh cao hơn sẽ yêu cầu thấu kính phải có màu hổ phách, điều này sẽ có tác động đáng kể đến nhận thức màu sắc.