Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

10 nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra ít hơn bình thường, có thực sự đáng lo không?

(VOH) – Kinh nguyệt ra ít là một trong những rối loạn kinh nguyệt thường gặp. Phụ nữ có thể gặp phải ở bất cứ thời điểm nào và không phải tất cả trường hợp ít kinh nguyệt đều là bệnh lý.

Kinh nguyệt ra ít là hiện tượng huyết kinh ra ít trong những lần hành kinh. Khi hành kinh, người phụ nữ không cần dùng băng vệ sinh quá dày, một số trường hợp không cần sử dụng đến băng vệ sinh.

Hiện tượng kinh nguyệt ra ít có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Có thể đi kèm với rong kinh, kinh thưa. Có thể xảy ra ngay từ lần đầu tiên hành kinh hoặc giảm dần lượng máu kinh sau một thời gian kinh nguyệt bình thường. Cũng có thể xảy ra đột ngột sau một thủ thuật can thiệp vào buồng tử cung.

1. Tại sao kinh nguyệt ra ít?

Nhiều chị em thường cảm thấy thoải mái khi lượng kinh nguyệt ra ít mỗi tháng, tuy nhiên, các bác sĩ điều cho rằng đó lại là dấu hiệu của một điều gì đó bất thường đang xảy ra trong cơ thể phụ nữ.

10-nguyen-nhan-khien-kinh-nguyet-ra-it-voh

Kinh nguyệt ra ít là dấu hiệu cơ thể đang có vấn đề bất thường (Nguồn: Internet)

Dưới đây là 10 nguyên nhân có thể khiến kinh nguyệt phụ nữ ra ít mà các chị em không nên xem thường:

1.1 Kinh nguyệt ra ít do mang thai

Một trong những dấu hiệu có thai rõ ràng nhất là mất kinh nguyệt. Tuy nhiên, một số phụ nữ đang mang thai vẫn có thể gặp phải tình trạng kinh nguyệt tiếp tục ra với lượng ít.

Ngoài ra, tình trạng kinh nguyệt ra ít trong thai kỳ có thể là dấu hiệu của hiện tượng mang thai ngoài tử cung. Tình trạng này khá nguy hiểm nên nếu có nghi ngờ, chị em nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám chính xác.

1.2 Do cân nặng thay đổi

Cân nặng có thể làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc ra ít hơn bình thường rất nhiều. Khi cơ thể tăng cân, lượng chất béo tích tụ trong cơ thể sẽ làm hormone mất cân bằng. Không chỉ tăng cân, giảm cân bằng cách hạn chế calo trong khẩu phần ăn cũng có thể khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng và tạo ra sự mất cân bằng hormone.

1.3 Do bị căng thẳng

Những người đang bị trầm cảm hoặc phải trải qua một cú sốc tinh thần lớn có thể gặp phải tình trạng kinh nguyệt ra ít do mất cân bằng hormone. Ngoài stress về mặt tâm lý, tập thể dục quá mức cũng có thể gây căng thẳng về thể chất và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

1.4 Do sử dụng các biện pháp tránh thai

Một trong những lý do phổ biến khiến cho kinh nguyệt ra ít là sử dụng các phương pháp tránh thai nội tiết như thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai hoặc đặt vòng tránh thai. Những phương pháp này thường làm kinh nguyệt ra ít và có màu đen, thậm chí là mất kinh trong một thời gian ngắn.

1.5 Do mãn kinh

10-nguyen-nhan-khien-kinh-nguyet-ra-it-1-voh

Phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh thường gặp phải tình trạng kinh nguyệt ra ít (Nguồn: Internet)

Những phụ nữ trên 45 tuổi nếu bắt gặp tình trạng kinh nguyệt ra ít thì rất có thể đây là dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh.

1.6 Kinh nguyệt ra ít do bệnh cường giáp

Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Bệnh cường giáp có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về tim, huyết áp, cơ bắp... Hiện tượng kinh nguyệt ra quá ít là một trong những dấu hiệu của căn bệnh này.

1.7 Do buồng trứng đa nang

Phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang (PCOS) có thể làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt, gây ra kinh nguyệt không điều, kinh nguyệt ra ít và mất kinh.

1.8 Do hẹp cổ tử cung

Hẹp cổ tử cung hoặc cổ tử cung đóng hoàn toàn là hiện tượng rất hiếm gặp, song nó vẫn có thể xảy ra và khiến kinh nguyệt của chị em bị ít đi. Tình trạng thường gặp sau khi người phụ nữ đã trải qua một số phẫu thuật cổ tử cung như thủ thuật khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt bỏ nội mạc tử cung. Hẹp cổ tử cung cũng có thể do nồng độ estrogen thấp trong giai đoạn tiền mãn mãn kinh.

1.9 Tử cung có sẹo

Phụ nữ từng trải qua thủ thuật nong và nạo tử cung thường sẽ để lại sẹo và điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng kinh nguyệt ra hàng tháng.

1.10 Do cơ thể bị mất nhiều máu

Tuy rất hiếm nhưng tình trạng mất nhiều máu trong hoặc sau khi sinh có thể khiến cơ thể thiếu oxy làm ảnh hưởng tới tuyến yên và gây hội chứng Sheehan. Hội chứng này sẽ làm giảm đáng kể việc sản xuất tất cả các loại hormone, bao gồm cả những hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt.

2. Làm thế nào để khắc phục tình trạng kinh nguyệt ra ít?

Theo bác sĩ Trịnh Thị Thúy – BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chị em phụ nữ nếu thấy có hiện tượng kinh nguyệt ra ít, kèm theo một số triệu chứng như rong kinh, kinh thưa... thì nên đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, xác định nguyên nhân do đâu, từ đó bác sĩ sẽ có những tư vấn điều trị hợp lý.

10-nguyen-nhan-khien-kinh-nguyet-ra-it-2-voh

Thăm khám bác sĩ sẽ giúp chị em tìm ra được nguyên nhân khiến kinh nguyệt ra ít (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, để phòng ngừa rối loạn kinh nguyệt, trong đó có cả tình trạng kinh nguyệt ra ít, chị em phụ nữ nên thực hiện một số biện pháp sau:

2.1 Ngủ đủ giấc, đúng giờ

Một giấc ngủ đủ và đúng giờ sẽ giúp cơ thể được hồi phục trở lại, tinh thần thoải mái, các hoạt động trong cơ thể cũng diễn ra tốt hơn.

2.2 Bổ sung dưỡng chất cần thiết

Phụ nữ cần có một chế độ ăn uống phù hợp, cân bằng, bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, tinh bột và thức ăn quá mặn. Tránh dùng các chất kích thích, đặc biệt là gần tới ngày “đèn đỏ”.

2.3 Duy trì lối sống lành mạnh

Chị em hãy tạo và duy trì một cuộc sống vui vẻ, tinh thần luôn thoải mái. Không nên căng thẳng, ủ rũ và nóng giận. Đồng thời, tập thể dục thường xuyên cũng là cách rèn luyện sức khỏe và một cuộc sống lành mạnh.

2.4 Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Vệ sinh vùng kín, thường xuyên, đặc biệt khi hành kinh và sau khi có “quan hệ vợ chồng”. Khi hành kinh nên thay băng vệ sinh 3 – 4 giờ một lần để tránh vi khuẩn, nấm phát triển.

Nhìn chung, tình trạng kinh nguyệt ít có thể không quá nguy hiểm nhưng chị em vẫn cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình. Nếu sau vài chu kỳ kinh nguyệt mà tình trạng này vẫn kéo dài thì nên đến các bệnh viện có chuyên khoa phụ sản ...để được khám và siêu âm kiểm tra.