Kiểm tra sức khỏe định kỳ là việc rất cần thiết cho tất cả mọi người. Thông qua thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…giúp chúng ta phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe trước khi có biểu hiện bệnh. Cơ hội chữa khỏi bệnh tăng lên nếu như được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm như: bệnh cao huyết áp, tăng cholesterol và mỡ trong máu, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường.
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe - Ảnh minh họa - Nguồn: internet.
Lợi ích của khám sức khỏe định kỳ
Trong chương trình "Sống khỏe" phát sóng trực tiếp trên kênh FM 99.9MHz lúc 11g15 ngày 5/9, BS. Lê Hữu Đồng – Khoa nội tổng quát Phòng khám Tai Mũi Họng Sài Gòn đã chỉ ra những lợi ích của khám sức khỏe định kỳ:
- Được bác sĩ thông báo những yếu tố nguy cơ có thể gặp trong lứa tuổi của mình.
- Tạo điều kiện để bác sĩ nắm được tình hình sức khỏe của từng người, từ đó theo dõi dễ dàng những biến đổi (so với trước và sau này).
- Tầm soát sớm bệnh tật giúp điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả.
- Khám và cho hướng điều trị các bệnh tật mãn tính mà khách hàng đang mắc phải.
- Đánh giá tình hình chung và phân loại sức khỏe.
Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ còn giúp phát hiện những bệnh lý nguy hiểm ở giai đoạn khởi phát. Có rất nhiều bệnh lý nguy hiểm thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng cho đến giai đoạn muộn, gây nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Tại Việt Nam, đa phần bệnh lý ung thư được điều trị ở giai đoạn muộn, trong khi đó nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn khởi phát thì có thể đạt tỉ lệ thành công cao hơn, giảm thiểu chi phí, thời gian điều trị và những đau đớn. Ví dụ như: ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư vú, tuyến tiền liệt, tử cung, cổ tử cung,… một số bệnh ung thư trong nhóm kể trên vẫn có khả năng chữa khỏi nếu được tầm soát và phát hiện sớm.
Khám sức khỏe định kỳ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện hơn
- "Phòng bệnh hơn chữa bệnh": Với sức khỏe nói chung, với ung thư nói riêng, phòng ngừa tốt nhất chính là khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần. Sớm phát hiện ra những bất thường của cơ thể, sớm đưa ra cách thức phù hợp để điều trị và có cơ chế dinh dưỡng bảo vệ tốt nhất.
- Giải pháp kinh tế: Hãy thử so sánh một lần đi khám sức khỏe định kỳ với việc phải vào viện điều trị, con số này chênh nhau không chỉ gấp đôi, gấp ba mà có lẽ còn nhiều hơn nữa đối với những ca bệnh nặng. Nhưng nếu có khám sức khỏe định kỳ việc phát hiện sớm, tác động sớm, chi phí chữa bệnh rõ ràng sẽ ít hơn.
Chương trình “Sống khỏe” được phát trực tiếp trên sóng FM 99.9MHz vào lúc 11g15-11g45 ngày thứ Bảy hàng tuần và phát lại lúc 8g30-9g ngày thứ năm tuần sau đó. |
Bao lâu thì nên khám sức khỏe định kỳ ?
Khoảng thời gian ấn định 6 tháng/lần, 1 năm/lần, 2 năm/lần tùy theo lứa tuổi, tiền sử cá nhân và gia đình. Đây là một cuộc “bảo trì” dành cho cơ thể và là một sự đầu tư sức khỏe cho tương lai.
- Tùy theo độ tuổi mà bạn cần được thực hiện các xét nghiệm tầm soát khác nhau phụ thuộc vào nguy cơ mắc bệnh tương ứng với lứa tuổi.
- Với những người có tiền sử cá nhân và gia đình mắc bệnh ung thư, tim mạch hoặc có các thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc, uống bia rượu, ăn nhiều chất béo, ít chất xơ... có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn so với tuổi.
Người bệnh tham vấn tầm soát bệnh ung thư vú tại BV Ung bướu TPHCM - Ảnh: TTO.
Không chỉ tầm soát sức khỏe theo định kỳ mà cũng cần phải kiểm tra sức khỏe theo giai đoạn:
- Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các bạn có được kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống tình dục của vợ chồng sau này. Điều này sẽ tránh những sợ hãi, nghi ngờ lẫn nhau trong đêm tân hôn, hoặc giúp phòng tránh việc lây nhiễm cho nhau những bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ giúp các bạn phòng tránh bệnh tật sớm nhất, phát hiện, điều trị bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục của vợ chồng sau này và ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ khi mang thai, sinh đẻ.
Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp tránh các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho những đứa con tương lai. Khi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, các bạn còn được hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình một cách hiệu quả, phù hợp với bản thân nhất, nhờ đó có thể kiểm soát được việc sinh con (thời điểm có con, số con, khoảng cách sinh), tránh việc mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai.
- Tầm soát quá trình tiền mãn kinh: Với phụ nữ ở độ tuổi 40-50, có nhiều thay đổi về sức khỏe, tâm lý và cả tinh thần. Chính vì vậy, phụ nữ trong độ tuổi này cần quan tâm nhiều hơn đến bản thân và nên định kỳ tham gia các chương trình kiểm tra sức khỏe tiền mãn kinh/mãn kinh. Ngoài ra, chị em phụ nữ ở độ tuổi này nên:
- Thường xuyên kiểm tra ung thư vú - Kiểm tra nhũ ảnh định kỳ kể từ 45 tuổi (2 năm/ lần)
- Thăm khám phụ khoa định kỳ (2 năm/ lần)
- Gặp bác sỹ ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường (khối u, ra máu nhiều, đau khi quan hệ…)
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
- Tham gia vào các hoạt động xã hội
- Tham gia các bài tập nhẹ nhàng, vừa phải ít nhất 30’ mỗi ngày (bơi, đi bộ, đạp xe, khiêu vũ…)