Nghiên cứu được công bố vào tháng 1 trên tạp chí Archives of Toxicology.
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Liên bang Đức về Đánh giá Rủi ro (BfR) phát hiện, chỉ khoảng 20% lượng mực thực sự thẩm thấu vào da, thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đây, do phần lớn mực bị đào thải trong quá trình da lành lại sau khi xăm.
Tiến sĩ Ines Schreiver từ Trung tâm Nghiên cứu Độc học Da liễu của BfR cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp đánh giá chính xác hơn những rủi ro sức khỏe liên quan đến việc xăm hình trong tương lai”.

Chỉ khoảng 20% lượng mực thực sự thẩm thấu vào da sau khi xăm. - Ảnh: stock.adobe.com.
Trong nghiên cứu, các thợ xăm tại Berlin đã thực hiện hình xăm trên 24 tình nguyện viên bằng nhiều loại mực khác nhau (14 loại mực đen, 10 loại mực đỏ). Mực xăm được trộn với ba chất đánh dấu đặc biệt để các nhà nghiên cứu theo dõi sự di chuyển của chúng trong cơ thể.
Mẫu nước tiểu và mẫu máu của các tình nguyện viên được thu thập trước, trong và sau mỗi buổi xăm kéo dài trung bình 3,5 giờ. Các chất chuyển hóa được phát hiện trong máu ngay sau khi quá trình xăm bắt đầu.
Nghiên cứu cũng cho thấy, các chất này được chuyển hóa theo cơ chế khác so với khi chúng được hấp thụ qua đường tiêu hóa. Một trong những chất đánh dấu được chuyển hóa thành nhiều hợp chất hơn so với dự đoán, do tác động của một số enzyme trong tế bào da.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi lượng mực sử dụng trong mỗi buổi xăm bằng cách cân lọ mực trước và sau khi xăm, đồng thời kiểm tra lượng mực còn sót lại trên kim xăm, vải lau và găng tay.
Kết quả cho thấy, chỉ khoảng 1/5 lượng mực thực sự lưu lại trên da.
Nghiên cứu trước đây của BfR cũng cho thấy, các sắc tố mực xăm có thể tích tụ trong hạch bạch huyết, khiến hệ miễn dịch tiếp xúc với các hóa chất có khả năng gây hại. Do các sắc tố này không tan trong nước và là thành phần rắn của mực xăm, chúng không phải là trọng tâm của nghiên cứu mới này.
Những phát hiện này xuất hiện trong bối cảnh gần 1/3 người trưởng thành ở Mỹ sở hữu hình xăm, trong đó, 22% có từ 2 hình xăm trở lên.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phân loại các loại mực dùng trong hình xăm, bao gồm cả mực xăm dùng trong trang điểm vĩnh viễn, là mỹ phẩm. Điều này có nghĩa là chúng không cần được phê duyệt trước khi đưa ra thị trường như thuốc hoặc thiết bị y tế.
Các sắc tố trong mực xăm thuộc nhóm phụ gia màu do FDA quản lý, nhưng cơ quan này cho biết, chưa có quy định chặt chẽ về việc sử dụng chúng trong xăm hình.
Trong khi đó, nghiên cứu về tác động sức khỏe của hình xăm vẫn đang tiếp tục.
Dù một nghiên cứu năm 2024 cho thấy có mối liên hệ giữa hình xăm và nguy cơ cao mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết, nhưng một số chuyên gia cho rằng, các bằng chứng vẫn chưa thuyết phục.