“Nghiện đường” có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

VOH - Mọi người có cảm thấy “khó chịu” khi không ăn một chút nào đồ ngọt có đường trong suốt một ngày?

Bác sĩ cho biết, đường tinh luyện thực sự có thể gây “nghiện”, nếu ăn quá nhiều đường sẽ gây ra các bệnh như xơ cứng động mạch, thiểu cơ, tiểu đường và bệnh thận…

Mọi người hạn chế hoặc bỏ ăn đường không chỉ giúp tránh xa bệnh béo phì và các bệnh tim mạch mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.

“Nghiện đường” có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? 1

Càng ăn đồ ngọt càng không thể dừng lại, hậu quả có thể “gây nghiện” - Ảnh: TVBS

Đường có thể gây “nghiện”

Xiao Lingzi – một bác sĩ gia đình người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng, đường tinh luyện là một chất gây “nghiện”, thậm chí còn gây nghiện hơn cả heroin và cocaine.

Sau khi cơ thể con người ăn đường, đại não sẽ kích thích tiết ra serotonin và dopamin, dẫn đến cảm giác sảng khoái, dễ chịu và vui vẻ; để duy trì khoái cảm này nhiều hơn, lâu hơn; giảm dần cảm giác khó chịu do hạ đường huyết; từ đó cơ thể sẽ hình thành “ham muốn” ăn đường, lúc nào cũng thèm ăn ngọt mà trở thành “nghiện đường”.

Một khi não ngày càng kém “nhạy cảm” với sự kích thích của đường, cơ thể sẽ cần nhiều đường hơn để duy trì cùng một mức độ kích thích. Đây cũng làm cho mọi người trở thành “nghiện đường”.

“Nghiện đường” dễ gây cho cơ thể viêm nhiễm, suy giảm hệ miễn dịch

Sau khi ăn đường, sự kết hợp giữa đường và protein sẽ tạo ra các sản phẩm cuối cùng là glycation (đường hoá), ảnh hưởng đến chức năng của protein, làm giảm quá trình chuyển hóa protein và dễ dàng tích tụ trong cơ thể gây ra các bệnh như xơ cứng động mạch, thiểu cơ, tiểu đường, bệnh thận, sa sút trí tuệ, giảm độ đàn hồi của da… Khi ăn quá nhiều đường, nó sẽ dễ gây cho cơ thể viêm nhiễm, suy giảm hệ miễn dịch.

Các triệu chứng phổ biến của chứng “nghiện đường” bao gồm: trí nhớ ngắn hạn kém, không thể bình tĩnh, có thể gây ra rối loạn hành vi, mất ngủ, ăn nhiều…

Ngoài ra, người nghiện đường sẽ rơi vào tình trạng thèm ăn, ăn không kiểm soát, dẫn đến trầm cảm và lo lắng, quẫn trí và mất tự chủ.

Trí nhớ ngắn hạn là trí nhớ giúp mọi người lưu trữ và xử lý thông tin trong não bộ trong ngắn hạn, chẳng hạn như nhớ làm công việc gì trong ngày, nhớ gặp gỡ ai đó, hoặc nhớ xem đã đóng tiền điện nước hay chưa?

Làm thế nào để “cai nghiện” đường?

Ăn quá nhiều đường sẽ gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe. Hiện nay, ngày càng có nhiều người nhận thức được điều này nên tích cực gia nhập vào “cộng đồng” hạn chế ăn đường hoặc từ bỏ ăn đường.

Mọi người thực hiện được không chỉ giúp tránh xa bệnh béo phì và các bệnh tim mạch mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Bác sĩ Xiao Lingzi cho biết, nếu muốn “cai nghiện” đường, mọi người có thể áp dụng thử những cách dưới đây:

“Nghiện đường” có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? 2

Một trong những cách để “cai nghiện đường” thành công là nhờ người khác “không mời” hoặc không đứng trước mắt mình ăn uống đồ ngọt - Ảnh: TVBS

Tránh xa tầm nhìn

Loại bỏ tất cả đồ ăn vặt, đồ tráng miệng bắt mắt cùng hương vị ngon ngọt ra khỏi “tầm nhìn” hoặc xung quanh mình. Đồng thời, “thông báo” với người thân và bạn bè xung quanh rằng mình muốn hạn chế và từ bỏ ăn đường, “khẩn thiết” nhờ họ giúp mình bằng cách “không mời” mình ăn uống đồ ngọt, không đứng trước mắt mình ăn đồ ngọt và đồ ăn vặt.

Ăn uống đúng cách và đầy đủ

Hàng ngày nên bổ sung nhiều thực phẩm tự nhiên, thịt, trứng, hải sản, rau xanh, trái cây tươi, dầu tốt như dầu ô liu, hạt lanh (chất béo lành mạnh), gạo lứt hoặc khoai lang. Đường tinh luyện thường được thêm nhiều vào thực phẩm chế biến để làm tăng hương vị thơm ngon. Vì vậy, mọi người hãy cố gắng tránh ăn các thực phẩm này, mà hãy chọn ăn các thực phẩm thô và thực phẩm nguyên bản.

Uống nhiều nước

Uống đủ nước mỗi ngày thúc đẩy quá trình trao đổi chất, không những giúp loại bỏ các chất thừa cũng như độc tố ra khỏi cơ thể mà còn giúp làm đẹp da, giảm căng thẳng mệt mỏi, ít nhất uống khoảng 30g nước đối với mỗi kg cân nặng của cơ thể (30g nước/1kg) và tránh khát nước mất nước, tránh ăn đồ ăn ngọt.

Ngủ đủ giấc

Hãy ngủ đủ giấc, nên ngủ từ 5-6 tiếng, buổi trưa nếu mệt mỏi có thể chợp mắt 15 phút, nghỉ ngơi đầy đủ có thể giải tỏa căng thẳng về thể chất và tinh thần, cách này cũng có thể hạn chế ăn đường và cai nghiện đường.

Kêu gọi bạn bè

Tìm những người thân, bạn bè và đồng nghiệp “cùng chí hướng” để cùng nhau hạn chế ăn đường và thậm chí có thể tiến tới loại bỏ ăn đường. Nếu có “người đồng hành” để khi gặp khó khăn có thể cùng nhau động viên, nhắc nhở nhau thực hiện; hoặc cùng nhau tham gia cộng đồng hạn chế và từ bỏ ăn đường, cùng thực hiện chung với mọi người sẽ hiệu quả hơn là thực hiện một mình.

Con đường “cai nghiện đường” rất dài và khó

Bác sĩ Xiao Lingzi kết luận, “cai nghiện đường” có thể nói là việc rất khó, nhưng chỉ cần mọi người nhận ra “tác hại” của ăn nhiều đường đối với cơ thể như thế nào? Và quyết tâm hạn chế ăn ít và từ từ tiến tới bỏ đường và thực hiện đúng phương pháp thì sẽ không khó, chỉ cần kiên trì thêm chút nữa là mọi người có thể tìm ra một giải pháp phù hợp với mình để “cai nghiện đường” thành công.