Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Thiếu loại vitamin nào làm tăng nguy cơ bệnh tâm thần?

VOH - Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ béo phì, ung thư, các vấn đề như trầm cảm, rối loạn tâm thần và rối loạn thoái hóa thần kinh.

Vitamin D tồn tại ở nhiều tế bào trong cơ thể, giống như nước, sự tồn tại và tầm quan trọng của nó rất khó để chúng ta cảm nhận được, nhưng khi thiếu nó thì có thể nói là cực kỳ nguy hại đến sức khỏe của chúng ta.

Các bác sĩ cho biết, khi thiếu vitamin D trong cơ thể, nó có thể được bổ sung bằng cách chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chế độ ăn uống và bổ sung nó thông qua thực phẩm chức năng.

Thiếu loại vitamin nào làm tăng nguy cơ bệnh tâm thần? 1
Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ béo phì, ung thư, các vấn đề như trầm cảm, rối loạn tâm thần và rối loạn thoái hóa thần kinh - Ảnh: TVBS

Vitamin D là gì?

Xu Zhiyu, một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị béo phì người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, vitamin D là một chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo, có chức năng giống như hormone, có thể giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của xương một cách bình thường.

Đồng thời, vitamin D còn có tác động đến hệ thống miễn dịch, chức năng tim mạch, thần kinh và cơ bắp… nó cũng có thể điều chỉnh sự phát triển của các tế bào và các mô.

Trong cuộc sống hàng ngày, có hai nguồn cung cấp vitamin D chính cho cơ thể, đó là “ánh nắng mặt trời” và “thực phẩm”.

80% đến 90% vitamin D trong cơ thể con người được hấp thụ qua da nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào và sau đó được tổng hợp bằng tia cực tím.

10-20% còn lại là từ nguồn thực phẩm thông qua ăn uống hàng ngày. Ngoài thực phẩm tự nhiên, một số thực phẩm sẽ được bổ sung thêm vitamin D, mọi người có thể lựa chọn theo nhu cầu của mình.

Tác hại của việc thiếu vitamin D?

Bác sĩ Xu Zhiyu cho biết, vitamin D có thể giúp giảm viêm phổi và hội chứng đáp ứng viêm hệ thống hay còn gọi là hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (là tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng xảy ra ở nhiều cơ quan và mô trong cơ thể).

Nếu thiếu vitamin D, tình trạng bệnh của bệnh nhân hen suyễn lâu năm, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi sẽ dễ trở nặng và hiệu quả điều trị bằng thuốc sẽ kém.

Và thiếu vitamin D có liên quan đến nhiều loại bệnh khác, bao gồm hội chứng chuyển hóa, béo phì, ung thư, các vấn đề tự miễn dịch, trầm cảm, rối loạn tâm thần và rối loạn thoái hóa thần kinh…

Dấu hiệu cho biết thiếu vitamin D

Bác sĩ Xu Zhiyu cho biết, có 3 triệu chứng sau đây báo hiệu cho biết thiếu vitamin D trong cơ thể:

Mệt mỏi kinh niên: thiếu vitamin D là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất, bổ sung đầy đủ vitamin D sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi kinh niên. Mệt mỏi kinh niên hay còn gọi là suy nhược mạn tính báo hiệu thể trạng suy yếu, cạn kiệt cả từ sức khỏe đến tinh thần.

Loãng xương: thiếu vitamin D có thể gây ra tình trạng cơ thể hấp thu canxi không đủ và dẫn đến loãng xương. Đặc biệt, phụ nữ sau mãn kinh cần đặc biệt lưu ý, tránh để thiếu vitamin D, giúp không bị loãng xương.

Chậm lành vết thương: trong quá trình hồi phục vết thương, vitamin D tham gia vào quá trình điều hòa tăng sinh, tăng sản xuất các chất cần thiết để hình thành làn da mới, làm lành vết thương. Nếu vết thương lâu lành (có thể cơ thể thiếu vitamin D) thì người bệnh cần bổ sung một cách hợp lý vitamin D để thúc đẩy làm lành vết thương.

Thiếu loại vitamin nào làm tăng nguy cơ bệnh tâm thần? 2
Có hai nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể, đó là “ánh nắng mặt trời” và “thực phẩm” -  Ảnh: TVBS

Cách bổ sung vitamin D “thông minh”

Bác sĩ Xu Zhiyu cho biết, việc bổ sung vitamin D có thể được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn một, người trưởng thành bổ sung khoảng 50.000 đơn vị vitamin D mỗi tuần một lần, tức là khoảng 7.000 đơn vị vitamin D mỗi ngày, thời gian bổ sung khoảng 5 đến 8 tuần.

Giai đoạn hai là sau khi lượng vitamin D trong máu đạt mức 30ng/mL thì bổ sung khoảng 1.000 đến 2.000 đơn vị vitamin D là “ổn”.

Tiếp sau đó, chúng ta có thể áp dụng “3 mẹo nhỏ” để bổ sung vitamin D trong cuộc sống hàng ngày như sau:

Tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời: tắm nắng 10-30 phút vào buổi sáng hoặc buổi chiều muộn còn ánh nắng.

Bổ sung bằng thực phẩm: bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D như sữa, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc ăn sáng, cá hồi, cá thu, cá ngừ, dầu gan cá, trứng và nấm.

Thực phẩm bổ sung: thực phẩm bổ sung canxi hoặc viên ngậm vitamin tổng hợp thường chứa nhiều vitamin D3, người ăn chay có thể chọn thực phẩm bổ sung chứa vitamin D2.