Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Vì sao đã tiêm ngừa mà vẫn có nhân viên bệnh viện nhiễm COVID-19?

(VOH) - Vì sao 22 nhân viên y tế bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM mới đây đã phát hiện nhiễm COVID-19 mặc dù toàn thể bệnh viện đã được chích ngừa vắc xin AstraZeneca?

Tại TPHCM cũng đã có một số trường hợp nhân viên y tế mắc COVID-19. Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ngày 11/6 phát hiện 1 trường hợp, sống ở Hóc Môn tiếp xúc với người nhà mắc bệnh. Hay mới đây nhất, ngày 12/6 từ một nhân viên hành chính của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM phát hiện nhiễm COVID-19, bệnh viện đã truy vết và phát hiện thêm 22 nhân viên dương tính gồm 7 nhân viên phòng Công nghệ thông tin và 15 nhân viên phòng Hành chính Quản trị.

chích ngừa
Mặc dù đã tiêm ngừa nhưng vẫn có khả năng bị lây nhiễm COVID-19

Nhưng một vấn đề đặt ra, là các nhân viên y tế và cả hành chính làm việc tại bệnh viện đều đã được chích ngừa vắc xin phòng dịch COVID-19 nhưng vẫn bị lây nhiễm?

Cụ thể có khoảng 900 các bác sĩ, nhân viên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đều đã được tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 của Anh. Do bệnh viện Bệnh nhiệt đới là bệnh viện có khoa chữa trị cho các bệnh nhận nhiễm COVID-19 nên là đối tượng được tiêm ngừa đầu tiên tại TPHCM. Đợt 1 tiêm từ ngày 8/3/2021 và đợt 2 từ giữa đến cuối tháng 4/2021. Đến nay tất cả đều đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin.

Theo các chuyên gia y tế, phòng dịch trong nước và quốc tế sau khi tiêm ngừa COVID-19 đủ liều lượng và số lần tiêm thì vắc xin vẫn chưa thể phát huy ngay mà nó cần thời gian để cơ thể có thể sinh ra đủ lượng kháng thể chống lại virus. Mỗi loại vắc xin sẽ có những thời gian phát huy khác nhau.

Và những người được tiêm các loại vắc xin ngừa COVID-19 đủ liều lượng, đủ thời gian nhưng vẫn có thể bị mắc COVID-19. Tuy nhiên, nếu những người này nều có mắc bệnh thì bệnh sẽ nhẹ hơn, ít gặp những thể nặng và cũng hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. “Vẫn có nguy cơ sau tiêm vaccine, người tiêm vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nếu tiêm vaccine rồi mà mắc Covid-19 thì bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều”, ông Cường cho biết.

Cho đến nay, vắc xin được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh trên thực địa khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong. Một lãnh đạo văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết.

Đại diện hãng sản xuất vắc xin AstraZeneca cho biết vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được chứng minh dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19. Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy, từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc xin của AstraZeneca giúp bảo vệ tối đa khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19. 

Trong 90 ngày sau liều đầu tiên, hiệu lực của vắc xin đạt được 76% và hiệu lực bảo vệ này được duy trì đến liều thứ hai.

Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vắc xin tăng lên 81%. Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.

Như vậy đối với việc các nhân viên bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã chích ngừa vắc xin AstraZeneca nhưng với thời gian nêu trên thì vẫn có khả năng bị nhiễm và là nguồn lây nhiễm cho người khác.  

Như vậy việc tiêm ngừa vắc xin cũng không thể hoàn toàn ngăn không bị nhiễm bệnh và người đã tiêm ngừa vẫn được khuyến cáo cần thực hiện tiêu chí 5K của Bộ Y tế nhằm bảo vệ cho mình và ngăn chặn sự lây truyền COVID-19.