Tiêu điểm: Nhân Humanity

Viêm phế quản vì hút và ngửi khói thuốc lá

(VOH) - Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Đặc biệt, hút thuốc hoặc ngửi khói thuốc lá nhiều còn dẫn tới viêm phế quản và lâu lành bệnh. 

Viêm phế quản vì… hút thuốc lá

Hệ thống hô hấp tự nhiên của con người gồm có một số hàng rào bảo vệ chống lại các yếu tố gây bệnh. Quá trình lọc khí ở đường hô hấp trên cụ thể là khí quản giúp ngăn chặn vi khuẩn và virus từ môi trường bên ngoài vào trong phổi.

Khi hút thuốc, khói thuốc đi vào đường miệng, mũi người hút và vô tình phá vỡ cơ chế tự bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi. Đây cũng chính là nguyên nhân viêm phế quản và tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp thường xuyên diễn ra ở người hút thuốc lá.

Khói thuốc làm giảm vận động lông chuyển của tế bào niêm mạc phế quản, làm tăng tiết nhầy của các tuyến, kích thích bạch cầu đa nhân giải phóng men tiêu protein, gây co thắt phế quản.

Thuốc lá còn gây tổn thương cấu trúc của các sợi lông mao trong phổi. Khi các lông mao bị tổn thương sẽ trở thành những mảnh vụn trong phổi, phế quản. Các mảnh vụn tuy rất nhỏ này nhưng lại trở thành tác nhân kích thích gây ra các cơn ho từ vừa vừa tới dữ dội đối với bệnh nhân viêm phế quản.

Viêm phế quản vì hít khói thuốc lá

Các chuyên gia ước tính rằng, mỗi năm có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi - cao gấp đôi con của những người không hút thuốc.

Trẻ dễ bị viêm phế quản nếu người thân hút thuốc (Ảnh: Arabic)

Theo một nghiên cứu, khi hút thuốc lá thì chỉ có 20% khói thuốc được hít vào bên trong cơ thể còn 80% là tỏa ra ngoài không khí. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy có khuynh hướng lảng vảng trong phòng lâu hơn và có nồng độ chất gây ung thư cao hơn so với dòng khói thuốc thở ra từ người hút. Vì vậy nếu có người hút thuốc trong nhà, dù là hút thuốc ở phòng khác thì trẻ vẫn có nhiều nguy cơ hít phải khói thuốc.

Hút thuốc lá thụ động không chỉ ảnh hưởng đến phổi của trẻ mà còn ảnh hưởng đến não, tim, đường ruột… Rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi… hay làm trẻ thường xuyên ho, sổ mũi.

Những trẻ em có phơi nhiễm với môi trường khói thuốc hay bị viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm. Những trẻ có tiếp xúc khói thuốc cũng phải nạo VA và cắt Amidal nhiều hơn.

Trẻ nhỏ và người già dễ bị viêm nhiễm đường thở khi hít phải khói thuốc lá cao hơn các đối tượng khác. Do đó, nên tránh lui tới nơi công cộng nhiều khói thuốc hoặc dùng khẩu trang y tế để ngăn chặn khói thuốc này xâm nhập vào đường hô hấp gây tình trạng viêm phế quản.

Nếu người thân và đồng nghiệp của bạn có thói quen hút thuốc lá nên khuyên cai thuốc hoặc không nên hút thuốc trong phòng làm việc, nơi ở là cách giúp bạn tránh hít phải khói thuốc.

Khó khỏi bệnh nếu cứ ngửi khói thuốc

Người bị viêm phế quản mà vẫn tiếp tục hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc sẽ gây tổn thương lông mao trong phế quản một cách nặng nề hơn, đa số sẽ khiến bệnh viêm phế quản trở thành mạn tính.

Cha mẹ cần thận trọng, tránh để khói thuốc lá ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ (Ảnh: CBS)

Với những người nghiện thuốc lá, màng nhầy lót đường hô hấp sẽ bị viêm, lông mao sẽ không chỉ bị tổn thương mà dần dần sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn. Khi đó đờm trong họng, phế quản nhiều hơn gây tắc đờm và chất nhầy trong họng, phế quản.

Đờm trú ngụ lâu trong họng và phế quản là môi trường thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn sinh sôi. Nếu không được điều trị kịp thời thì dần dần sẽ làm biến dạng, hỏng đường dẫn khí của phổi.

Viêm phế quản chỉ có thể điều trị khỏi hẳn khi bệnh nhân tránh xa khói thuốc lá và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của thầy thuốc. 

Nếu viêm phế quản cấp biến chuyển thành viêm phế quản mãn tính sẽ có thể gây ra nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh phổi cũng như những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

* Phòng tránh nguy cơ lây lan bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh và người lớn

* Phác đồ "chuẩn" điều trị bệnh viêm phế quản cấp tính - mạn tính

* 3 chú ý chăm sóc cho trẻ mắc bệnh viêm phế quản

Bình luận