Đăng nhập

Y khoa nổi bật: xuyên đêm hiến tạng - hồi sinh 4 cuộc đời | phẫu thuật 3D chữa mù cho trẻ sơ sinh

VOH - Phẫu thuật đặt máy tạo nhịp cho trẻ sơ sinh mắc bệnh tim; Phẫu thuật thành công cho người đàn ông bị nữ hóa tuyến vú; Cứu sống nam thanh niên bị bạn đâm thủng tim...Y khoa nổi bật tuần qua.

Mỗi người dân Việt Nam sẽ sở hữu một Sổ sức khoẻ điện tử trên VneID

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc. Thông báo kết luận nêu rõ, kết quả triển khai Sổ sức khỏe điện tử đã tạo lập được 32,1 triệu Sổ sức khỏe cho người dân, trong đó 14,6 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 100% cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và tư nhân) và có 40 triệu lượt người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử. Sau năm 2025, mỗi người dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ Bảo hiểm y tế đều sở hữu một Sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID và 30% người dân khi đi khám chữa bệnh có bệnh án điện tử. Đến năm 2025, 100% người dân có nhu cầu có thể đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.

Tôn vinh 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2024

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tình nguyện tiêu biểu năm 2024 với thông điệp “Hiến giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng” nhằm tôn vinh, tri ân những cá nhân, tập thể hiến tiểu cầu thường xuyên - những người đã góp phần đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu chế phẩm tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị.

Tính đến hết tháng 10/2024, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 29.428 đơn vị tiểu cầu từ 8.372 người hiến, trung bình một người hiến 3,4 lần. Kết quả này thể hiện xu hướng gia tăng của số người hiến tiểu cầu và số lần hiến của một người trong năm.

Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, khác với hiến máu toàn phần phải chờ gần 3 tháng mới được hiến lại, thì hiến tiểu cầu chỉ cần sau 2-3 tuần, nên một người có thể hiến đến gần 20 lần trong một năm. Hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu so với hiến máu.

Được tổ chức từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đều biểu dương, gặp mặt 200 người hiến tiểu cầu tình nguyện tiêu biểu. Sự kiện thường niên này luôn được những người hiến tiểu cầu quan tâm, háo hức và mong chờ được mời tham dự.

VOH (21)Xem toàn màn hình
Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương trao giấy khen tặng 15 người hiến tiểu cầu tiêu biểu.

Xuyên đêm lấy tạng từ người chết não để hồi sinh cho 4 cuộc đời

Rạng sáng 24/10, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiến hành ca phẫu thuật lấy tạng của người hiến sau khi chết não và ghép 2 thận cho 2 người bệnh suy thận tại Bệnh viện. Các tạng còn lại gồm tim và gan được chuyển đến ghép cho 2 người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đánh dấu thành công trong việc tận dụng tạng hiến để  cứu sống nhiều bệnh nhân.

Trước đó, người bệnh 17 tuổi bị tai nạn giao thông, đa chấn thương, chấn thương sọ não nặng, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Do tình trạng tổn thương người bệnh quá nặng, dù đã được phẫu thuật cấp cứu và thực hiện các biện pháp hồi sức chuyên sâu nhưng vẫn không có kỳ tích xảy ra.

Sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tư vấn cho gia đình về việc hiến tạng để cứu được nhiều người và nhận được sự đồng ý của gia đình người bệnh.

Bệnh viện đã phối hợp với gia đình, các cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết về cho và hiến tạng của người chết não theo đúng quy định của luật hiến tạng hiện hành.

Bệnh viện cũng khẩn trương phối hợp với Trung tâm ghép tạng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để rà soát, tìm kiếm những người đủ điều kiện được ghép tạng từ người cho này. Kết quả 2 thận được ghép cho 2 người bệnh suy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, tim và gan chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho 2 người bệnh suy gan và suy tim đang chờ ghép.

Ngay khi các thủ tục pháp lý cũng như các phương án chuẩn bị lấy tạng ghép được hoàn tất, người bệnh được chuyển lên phòng phẫu thuật để tiến hành lấy tạng ghép.

Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự chuyên nghiệp của ekip phẫu thuật, gây mê, hồi sức của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, quá trình lấy hai quả thận và tim, gan từ người hiến diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.

Theo đánh giá ban đầu, tạng ghép được lấy ra có chất lượng tốt, 2 quả thận được ghép ngay cho 2 người bệnh tương thích tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ; Tim và gan được chuyển về kịp thời ghép cho 2 người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hiện tại, cả 4 người bệnh được ghép tim, gan, thận ở những giờ đầu sau ghép đều có tiên lượng tốt.

VOH (25)
Các bác sĩ cúi đầu mặc niệm người bệnh hiến tạng cứu người. Ảnh: QĐND

Cứu sống trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh bằng phẫu thuật đặt máy tạo nhịp ngay sau sinh

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim ngay tại phòng sinh cho một trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, được chẩn đoán block nhĩ thất độ III từ trong thai kỳ.

Sản phụ N.T.L (Hà Tĩnh) ở tuần 20 của thai kỳ được phát hiện thai nhi có bất thường về tim. Tim của thai nhi thường đập khoảng 120-160 lần mỗi phút, nhưng tim của thai chỉ khoảng 30-40 nhịp/phút. Đây là một tình trạng block nhĩ thất độ III rất nguy hiểm.

Chị L. tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và được theo dõi tại Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Qua hội chẩn, Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thúy Linh, Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhận định, thai nhi có tiên lượng nặng, tim to, có tình trạng block nhĩ thất cấp III, nhịp thất chậm 30-40 lần/phút.

Với tình trạng bệnh rất nặng, sản phụ được chỉ định nhập viện khoa Sản bệnh A4 để theo dõi sát sao tình trạng thai nhi. Mỗi nhịp đập của trái tim em bé đều như một lời nhắc nhở về sự cấp bách của tình hình.

Nhận định rõ tính cấp thiết của vấn đề, với tình trạng block nhĩ thất độ III rất nặng, việc đặt máy tạo nhịp ở thời điểm ngay sau sinh là vô cùng cần thiết.

Đến thời điểm 37 tuần, chức năng tim thai diễn biến xấu rất nhanh: block nhĩ thất cấp 3, nhịp thất chậm, hở van 3 lá, van 2 lá nhẹ, nhịp nhĩ 140-160 lần/phút, nhịp thất 38-40 lần/phút. Sau khi hội chẩn, Ban Giám đốc bệnh viện đã quyết định cần mổ lấy thai để bảo đảm an toàn cho thai nhi.

Một ê-kíp phẫu thuật đặc biệt được thành lập, do TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương dẫn đầu, kết hợp với các chuyên gia đa ngành từ cả hai bệnh viện.

Dưới sự điều hành của ThS.BSCKII Đỗ Khắc Huỳnh - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ca mổ lấy thai đã diễn ra thành công. Em bé chào đời với cân nặng 2.800g, tuy nhiên nhịp tim chỉ đạt 30-35 lần/phút. Ngay lập tức, ê-kíp phẫu thuật tim mạch đã nhanh chóng tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho bé.

Sau một tháng điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, em bé đã được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn và hiện đang phát triển ổn định. Đây là ca phẫu thuật thứ hai được thực hiện thành công với mô hình phối hợp này, sau thành công của ca đầu tiên (hiện trẻ đã 11 tháng tuổi và phát triển khỏe mạnh).

Cứu sống nam thanh niên bị bạn đâm thủng tim nguy kịch

Mơi đây, Bệnh viện Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho nam thanh niên bị đâm thấu ngực, thủng tim trong tình trạng nguy kịch. Đó là anh L.T.T (18 tuổi, ngụ H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) xảy ra mâu thuẫn với bạn và bị bạn đâm gây thương tích.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vật vã, kích thích, da niêm nhợt, mạch nhanh khó bắt và huyết áp thấp do vết thương trên ngực phải dài 4 cm. Sau thăm khám và hội chẩn viện, ê kíp bác sĩ báo động đỏ, kích hoạt quy trình cấp cứu tối khẩn, chỉ định thực hiện ngay ca mổ cứu bệnh nhân. Bên cạnh vết thương tim, bệnh nhân còn có vết thương xuyên thủng phân thùy S3 phổi phải, bác sĩ phẫu thuật khâu lại vết thương phổi.

Hiện, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy kịch, tỉnh táo, sinh hiệu ổn, giao tiếp tốt. Các bác sĩ tiếp tục điều trị giảm đau sau mổ, đảm bảo dinh dưỡng và theo dõi đặc biệt tại hậu phẫu.

VOH (20)
Các bác sĩ cho biết vết thương thủng tim của bệnh nhân T. có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong trong 5 - 10 phút. Ảnh: BVCC

Phẫu thuật thành công cho người đàn ông 52 tuổi bị nữ hóa tuyến vú

Ngày 26/10, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội) vừa phẫu thuật thành công cho trường hợp người đàn ông có ngực như nữ giới.

Ông N.V.T (52 tuổi, Hà Nội) đã đến bệnh viện trong tình trạng vú to bất thường đã nhiều năm, gây ra cảm giác khó chịu và ngại ngùng trong sinh hoạt hàng ngày. Ông không thể cởi trần hay mặc áo phông, áo sơ mi mà không cảm thấy xấu hổ, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của ông.

Sau khi tiến hành các xét nghiệm hormone và kiểm tra chức năng gan thận, bác sĩ phát hiện ông T. mắc phải tình trạng nữ hóa tuyến vú vô căn, khi mô tuyến vú phát triển bất thường. Các bác sĩ đã tư vấn phẫu thuật để bỏ tuyến vú và hút mỡ, đồng thời thu nhỏ núm vú.

Nhiều tiến bộ trong nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) đường tiêu hóa trên

Ngày 25/10, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) tổ chức hội nghị khoa học “Tiến bộ trong nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) đường tiêu hóa trên – kỹ thuật và kết quả” và tổng kết công tác chỉ đạo tuyến năm 2024.

Nội soi cắt dưới niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection-ESD) là kỹ thuật nội soi can thiệp tối thiểu dùng để loại bỏ polyp lớn, hoặc điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa. Đây là kỹ thuật tiên tiến giúp loại bỏ sớm tế bào ung thư không cần phải phẫu thuật, bảo tồn toàn bộ dạ dày cho người bệnh.

3 năm qua, Bệnh viện 19-8 đã triển khai thường quy kỹ thuật nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) đường tiêu hóa trên, giúp phát hiện sớm tế bào ung thư ở lớp niêm mạc, loại bỏ tế bào ung thư khi tế bào này chưa xâm lấn thành phần khác của dạ dày. Điều trị sớm, can thiệp sớm giúp tỷ lệ tử vong do bệnh lý tiêu hóa cũng giảm xuống tại Việt Nam thời gian qua.

Lần đầu trên thế giới, phẫu thuật 3D chữa mù cho bé 40 ngày tuổi

Các bác sĩ Bệnh viện Molinette ở thành phố Turin, Ý vừa thực hiện ca phẫu thuật mang tính đột phá, lấy lại thị lực cho một bé trai 40 ngày tuổi. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, công nghệ 3D được áp dụng trong phẫu thuật để điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh, kết hợp với một bệnh lý rất hiếm và nghiêm trọng ở mặt sau của mắt.

Ca phẫu thuật bao gồm khâu cắt bỏ dịch kính hai bên kết hợp điều trị đục thủy tinh thể, sử dụng công nghệ hình ảnh 3D để thao tác chính xác trên cả mặt trước và mặt sau của hai mắt. Đội ngũ bác sĩ nhãn khoa của bệnh viện đã thực hiện thành công quy trình này, mang lại hy vọng mới cho tương lai của bệnh nhi. Đây không chỉ là một bước tiến lớn trong y học, mà còn mở ra triển vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý tương tự.

Bình luận