Chờ...

Ấn Độ muốn biến ngày lễ tình nhân - Valentine thành 'ngày ôm bò'

(VOH) - Một cơ quan của chính phủ Ấn Độ đang kêu gọi mọi người dân ôm bò vào Ngày lễ tình nhân (14/2) để thể hiện truyền thống của Ấn Độ và tránh xa ảnh hưởng của phương Tây.

Một lời kêu gọi mới của Ủy ban Phúc lợi động vật Ấn Độ (trực thuộc Bộ Thủy sản Chăn nuôi và Sản xuất sữa) cho biết, họ muốn kỷ niệm “Ngày ôm bò” vào ngày 14/2 năm nay - theo Independent.

Nêu bật tầm quan trọng của bò trong nền văn hóa và kinh tế nông thôn Ấn Độ, Ủy ban này đang kêu gọi mọi người ôm một con bò để mang lại sự phong phú về cảm xúc và hạnh phúc cho mọi người.

“Tất cả chúng ta đều biết rằng bò là linh vật của nền văn hóa và kinh tế nông thôn Ấn Độ, duy trì sự sống của chúng ta, đại diện cho sự giàu có và đa dạng sinh học của gia súc” - lời kêu gọi ban hành vào ngày 6/2 nêu rõ.

văn bản
Văn bản gây nhiều tranh cãi liên quan tới việc biến ngày Valentine thành 'ngày ôm bò'

“Xét về lợi ích to lớn của bò, ôm bò sẽ mang lại cảm xúc phong phú, do đó sẽ làm tăng hạnh phúc cá nhân và tập thể của chúng ta” và “vì vậy, tất cả những người yêu bò cũng có thể kỷ niệm ngày 14/2 là Ngày ôm bò để ghi nhớ tầm quan trọng của bò mẹ và làm cho cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy năng lượng tích cực” - Ủy ban cho biết.

Ủy ban Phúc lợi động vật Ấn Độ cho biết, một ngày như thế là cần thiết bởi vì “văn hóa phương Tây” đang dẫn đến “truyền thống Vệ Đà” gần như tuyệt chủng. Kinh Vệ đà là những văn bản tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại và được coi là kinh sách lâu đời nhất của Ấn Độ giáo.

Lời kêu gọi đã gây ra một loạt phản ứng khi nhiều người cho rằng điều này "không thể tin được".

Con bò giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa Ấn Độ và là trung tâm tranh luận của một số vấn đề gây bức xúc trong những năm gần đây, chẳng hạn như lệnh cấm thịt bò ở một số bang.

Ngày Valentine đã trở nên phổ biến ở Ấn Độ trong những thập kỷ gần đây nhưng cũng vấp phải sự phản đối từ các tổ chức Hindu bảo thủ. 

Một số thành viên trong chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi ủng hộ ý tưởng giảm bớt ảnh hưởng của phương Tây ở Ấn Độ và từng phản đối việc tổ chức Lễ tình nhân.

Mặc dù Ủy ban Phúc lợi động vật Ấn Độ đề xuất “ôm bò” như một cách để tránh xa văn hóa phương Tây, nhưng bản thân việc ôm những con vật lấy sữa như bò và dê đã trở thành một xu hướng ở các nước phương Tây.

Ở Hà Lan, “koe knuffelen” (có nghĩa là “ôm bò”) là một tập tục tập trung vào các đặc tính chữa bệnh vốn có của hành động ôm ấp giữa người với động vật, theo BBC travel. “Những người ôm bò thường bắt đầu bằng việc tham quan trang trại trước khi tựa vào một trong những con bò trong hai - ba giờ,” BBC viết về xu hướng này vào tháng 10/2020.

Yoga Dê cũng đã nổi lên như một bài tập tự chăm sóc phổ biến được cung cấp bởi một số chủ trang trại ở các nước phương Tây.

Theo AFP, đây là loại hình tập luyện đặc biệt tại các trang trại nuôi dê lùn Pygmy. Khi các học viên thực hành động tác yoga, những chú dê sẽ thoải mái đi lại, nhảy trên lưng hoặc chơi đùa cùng họ. Yoga dê được cho là phương pháp thể dục kết hợp với động vật để giúp học viên giảm stress, thư giãn và yêu đời hơn.