Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ấn Độ triển khai sứ mệnh ghép nối vệ tinh không gian đầu tiên

ẤN ĐỘ - Ấn Độ đã triển khai sứ mệnh ghép nối vệ tinh không gian đầu tiên bằng tên lửa tự chế tạo, đánh dấu bước tiến trong nỗ lực trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới đạt được công nghệ tiên tiến này.

Sứ mệnh mang tên Space Docking Experiment (SpaDeX) được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan tại bang Andhra Pradesh lúc 23h30 ngày 30/12 trên tên lửa PSLV của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO). Sau khoảng 15 phút, giám đốc phụ trách nhiệm vụ đã công bố vụ phóng thành công khi tàu đạt độ cao khoảng 470 km.

SpaDeX là bước đệm quan trọng cho các nỗ lực không gian trong tương lai, bao gồm dịch vụ bảo trì vệ tinh và vận hành trạm vũ trụ mà Ấn Độ dự kiến xây dựng.

Công nghệ ghép nối vệ tinh trong không gian đóng vai trò then chốt trong các sứ mệnh và cần nhiều lần phóng tên lửa để hoàn thành mục tiêu chung.

An Do su menh ghep noi (1)

Ấn Độ đã triển khai sứ mệnh ghép nối vệ tinh không gian đầu tiên bằng tên lửa tự chế tạo. - Ảnh: Reuters.

Trong sứ mệnh lần này, Ấn Độ đã phóng hai vệ tinh nhỏ, mỗi chiếc nặng khoảng 220 kg, lên quỹ đạo ở độ cao 470 km và thử nghiệm khả năng truyền năng lượng điện giữa 2 vệ tinh đã được ghép nối. Tính năng này thiết yếu cho các ứng dụng như điều khiển robot trong không gian, vận hành tàu vũ trụ và quản lý tải trọng sau khi tách ghép.

Hai vệ tinh trong sứ mệnh SpaDeX của Ấn Độ đều được trang bị các thiết bị tiên tiến, bao gồm hệ thống hình ảnh và thiết bị cảm biến bức xạ nhằm đo lường mức độ bức xạ electron và proton trong không gian, cung cấp dữ liệu quan trọng cho các sứ mệnh vũ trụ có người lái trong tương lai.

Chủ tịch ISRO, ông S. Somanath, cho biết, việc thử nghiệm thực tế công nghệ ghép nối trong không gian dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng một tuần, thời gian mục tiêu là ngày 07/01.

Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới, sau Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc, phát triển và thử nghiệm được công nghệ này.

Điểm đặc biệt trong sứ mệnh lần này là tên lửa và các vệ tinh được tích hợp và thử nghiệm bởi công ty tư nhân Ananth Technologies, thay vì một cơ quan chính phủ như trước đây.

Nhà vật lý thiên văn, ông Somak Raychaudhary từ Đại học Ashoka, cho rằng, việc thử nghiệm công nghệ này không chỉ giúp Ấn Độ gia nhập nhóm quốc gia hiếm hoi sở hữu nó mà còn mở ra cơ hội cho ISRO trở thành đối tác phóng vệ tinh cho nhiều sứ mệnh quốc tế cần công nghệ ghép nối hoặc lắp ráp trong không gian.

Một điểm mới khác là giai đoạn cuối của tên lửa PSLV, thường bị biến thành rác thải không gian, đã được chuyển đổi thành phòng thí nghiệm không gian không người lái nhằm phục vụ cho các thí nghiệm khác nhau.

Bình luận