Chờ...

Biển Đông đang dần trở thành tâm điểm đối đầu Mỹ - Trung?

VOH - Tại cuộc họp ngoại trưởng ASEAN cuối tháng 7/2024 ở Lào, nhiều vấn đề căng thẳng và gai góc đã được thảo luận, liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông.

Trung Quốc mở rộng căn cứ của mình trên vùng biển này từ năm 2013, như thành lập nhiều cơ sở quân sự trên các đảo được bồi đắp.

Trong khi Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo các đối tác ASEAN, không được để Hoa Kỳ can dự vào tình hình khu vực.

c_My_Trung
Ngoại trưởng Mỹ - Trung trong cuộc gặp tại Lào tháng 7/2024 - Ảnh: CNN

Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục quân sự hóa các đảo ở biển Đông.

Trong cuộc gặp với ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 27/7, ông Vương Nghị nói rằng, Washington mới là bên gây căng thẳng tại biển Đông.

Trong khi đó, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiếp tục kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia trong khu vực.

Theo nhiều ý kiến, biển Đông ngày càng quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã thành công, trong việc đẩy lùi các cường quốc châu Âu khỏi châu Mỹ vào thế kỷ 18 và 19, phần lớn nhờ mở rộng ảnh hưởng của mình về kinh tế lẫn quân sự, vào vùng biển Caribe. Theo các nguồn tin an ninh quốc gia, Hoa Kỳ coi biển Đông là chốt chặn tương tự, cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ở bên kia, Trung Quốc cũng coi trọng vùng biển này không kém.

Một trong những lý do, khiến biển Đông có tầm quan trọng chiến lược, là thương mại và giao thông vận tải.

Theo nhiều ước tính khác nhau, khoảng một phần tư hàng hóa được giao dịch trên toàn thế giới, cũng như một phần ba đến một nửa lượng dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng, là đi qua biển Đông.

Kiểm soát biển Đông nghĩa là kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng. Nếu Trung Quốc chiếm ưu thế, họ có thể áp đặt ảnh hưởng đối với nhiều quốc gia khác, về đối ngoại và an ninh.

Biển Đông cũng quan trọng về mặt quân sự.

Trung Quốc đang tìm cách triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở biển Đông, được trang bị tên lửa hạt nhân có khả năng nhắm đến toàn bộ lục địa Hoa Kỳ.

Nếu những tàu ngầm này tự do di chuyển trên vùng biển và tiến vào Thái Bình Dương, chúng sẽ giúp mở rộng lựa chọn hạt nhân của Trung Quốc nhằm chống lại Hoa Kỳ, làm suy yếu chiếc ô hạt nhân đối với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dù Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, nhưng Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague năm 2016 phán quyết rằng, yêu sách của Bắc Kinh không dựa trên luật pháp quốc tế.

Từ cuối năm 2023, Trung Quốc tăng cường hành động cản trở tàu thuyền của Philippines ở biển Đông. Philippines đáp trả, bằng cách cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận nhiều căn cứ hơn ở nước này.

Nhật Bản và các đồng minh khác của Hoa Kỳ, hiện cũng đang giúp đỡ Đông Nam Á bảo vệ nguyên trạng biển Đông.

Theo nhiều chuyên gia, nếu Trung Quốc kiểm soát vùng biển này, sẽ giáng một đòn không thể đo lường được, không chỉ vào kinh tế quốc tế mà còn vào trật tự toàn cầu đang bị lung lay.