Theo hồ sơ đệ trình lên tòa án ngày 26/2, chính quyền Trump đã chấm dứt hơn 5.800 khoản tài trợ của USAID, chỉ giữ lại khoảng 500 khoản. Ngoài USAID, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đình chỉ 4.100 khoản viện trợ, chỉ duy trì 2.700 khoản khác. Hiện vẫn còn 297 hợp đồng đang trong quá trình xem xét có nên tiếp tục bị hủy bỏ hay không.
Ngoại trưởng Marco Rubio, người cũng đang giữ chức Quyền Giám đốc USAID, cho biết mọi quyết định cắt giảm đều dựa trên “lợi ích quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ.” Ông khẳng định đây là một phần trong kế hoạch “tinh gọn” USAID và cải tổ chính sách viện trợ nước ngoài theo hướng tập trung hơn vào các ưu tiên của Mỹ.
Quyết định này đặc biệt gây tranh cãi vì Mỹ hiện là nước viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới. Trong năm tài khóa 2023, USAID đã cung cấp hơn 40 tỷ USD viện trợ cho 130 quốc gia.

Việc cắt giảm viện trợ của chính quyền Trump đã dẫn đến cuộc chiến pháp lý với các tổ chức phi lợi nhuận và nhà thầu quốc tế. Các tổ chức này lập luận rằng không thể có chuyện một cá nhân, dù là Ngoại trưởng Rubio, có thể rà soát hàng nghìn hợp đồng chỉ trong vài tuần để đưa ra quyết định hủy bỏ hay tiếp tục tài trợ.
Thẩm phán Amir Ali của Tòa án Quận Columbia đã ban hành lệnh cấm tạm thời (TRO) vào ngày 13/2, yêu cầu chính quyền Mỹ phải giải ngân các khoản viện trợ bị đóng băng. Tuy nhiên, các tổ chức phi lợi nhuận tiếp tục cáo buộc chính phủ cố tình trì hoãn, buộc tòa án phải ra lệnh giải ngân trước nửa đêm 26/2.
Chính quyền Trump lập luận rằng họ không thể bị ép buộc thực hiện thanh toán theo thời hạn do tòa án đặt ra, đồng thời nhấn mạnh rằng quyết định cắt giảm viện trợ là cần thiết để bảo vệ ngân sách liên bang và đảm bảo hiệu quả trong chính sách đối ngoại.
Ngay sau khi nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đình chỉ viện trợ nước ngoài trong 90 ngày, khiến hàng nghìn chương trình viện trợ trên toàn cầu bị đóng băng. Cùng với đó, Bộ Hiệu quả Chính phủ do Elon Musk đứng đầu đã cắt giảm 2.000 vị trí tại USAID, chỉ giữ lại các nhân sự quan trọng.
Giới quan sát nhận định, việc cắt giảm viện trợ có thể gây tác động lớn đến các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ Mỹ, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Đông và khu vực Nam Á. Đồng thời, động thái này có thể làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế và tạo khoảng trống để các cường quốc khác như Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng thông qua các chương trình viện trợ thay thế.
Trước áp lực từ các tổ chức nhân đạo và tranh cãi pháp lý, chính quyền Trump vẫn giữ lập trường cứng rắn, tuyên bố sẽ mất “nhiều tuần” để giải ngân gần 2 tỷ USD còn nợ các nhà thầu bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng băng viện trợ hồi cuối tháng 1.