Chờ...

Chuyên gia hoài nghi về gói hỗ trợ kinh tế mới của Trung Quốc

VOH - Chính phủ Trung Quốc vừa công bố 1 loạt biện pháp nhằm đảo ngược quá trình suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản.

Sự suy thoái đang đè nặng lên nền kinh tế số 2 thế giới. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng nói, họ sẽ yêu cầu giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, giải phóng thêm tiền cho vay. Họ cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, cùng nhiều cam kết khác để bức tốc đà tăng trưởng.

c_PanGongsheng
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng - Ảnh: Asia Times

Với nhà đầu tư bất động sản, Chính phủ cũng giảm nhiều điều kiện. Ví dụ yêu cầu thanh toán trước với người mua ngôi nhà thứ 2, từ 20% xuống còn 15%.

Theo ông Pan, lãi suất thế chấp sẽ được giảm bớt 0,5%, giúp ích cho 50 triệu hộ gia đình và 150 triệu người.

Gián đoạn hoặc mất việc trong thời gian Covid-19, cộng với giá nhà giảm khiến kinh tế ảm đạm, làm cho nhiều người Trung Quốc không có khả năng hoặc không muốn chi tiêu. Điều này tác động tổng thể tới nền kinh tế.

Số liệu chính thức trong tháng 8 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,3%, tăng 0,1% so với tháng 7 trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên toàn quốc nói chung là 19%. Do đó, các thay đổi vừa qua nhằm mục đích hỗ trợ nền kinh tế, ổn định lĩnh vực bất động sản và khôi phục niềm tin của thị trường.

Sau khi có tin về các hỗ trợ, giá cổ phiếu tại Trung Quốc lập tức tăng. Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 4,1%. Chỉ số Shanghai Composite tăng 4,2%. Một số nhà phân tích cho biết, các giải pháp vừa qua có sự phối hợp nhắm tới thị trường bất động sản, có thể hiệu quả hơn so với các gói rời rạc trước đây.

Ông Julian Evans-Pritchard, nhà phân tích tại Capital Economics nói, đây là bước đi đúng hướng. Đây là gói kích thích quan trọng nhất của ngân hàng trung ương từ khi đại dịch Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên vẫn không đủ để thúc đẩy tăng trưởng. Cần có các gói hỗ trợ tài chính lớn hơn.

Phó giáo sư He-Ling Shi từ đại học Monash nói gói hỗ trợ này quá ít và đưa ra quá muộn. Cộng tất cả lại cũng không đủ mạnh, để phục hồi nền kinh tế khó khăn hiện nay.

Không giống như Úc hay Hoa Kỳ, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt tăng trưởng chậm và giảm phát do nhu cầu mua sắm đi xuống. Theo ông Shi, Trung Quốc có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng 5% năm 2024.

Ngoài bất động sản, cơ quan quản lý cũng đang lên kế hoạch để ổn định thị trường chứng khoán.

Giá cổ phiếu tại Trung Quốc đạt đỉnh trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và hầu như đi ngang kể từ đó. Ông Shi nói tiếp: “Năm nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc hoạt động kém bậc nhất thế giới. Ngoài ra, khu vực tư nhân vẫn thiếu sức sống. Không ít công ty cảm thấy bất ổn với môi trường kinh doanh ở Trung Quốc, mặc dù Chính phủ muốn người dân tin vào tương lai đất nước.”