Đầm lầy Pantanal lớn nhất thế giới có nguy cơ biến mất hoàn toàn

BRASIL - Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva cảnh báo vùng đầm lầy lớn nhất thế giới Pantanal có thể biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ này do cháy rừng liên tục, hệ lụy của hiện tượng Trái Đất nóng lên.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Môi trường của Thượng viện Brazil, Bộ trưởng Silva hối thúc Quốc hội nước này xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho các trường hợp khẩn cấp về khí hậu, trước thực tế có gần 2.000 khu vực đô thị tại quốc gia này đang gặp rủi ro nghiêm trọng do tác động tiêu cực của tình trạng nhiệt độ Trái Đất gia tăng.

Bộ trưởng Silva nhấn mạnh khu vực Pantanal đang trải qua đợt hạn hán kỷ lục trong vòng 74 năm trở lại đây.

Lượng mưa thấp, nước trong khu đầm lầy bốc hơi mạnh, các con sông và vùng đồng bằng xung quanh khu vực này không có nước lũ khiến các đám cháy rừng liên tục xảy ra và lan rộng từ đầu năm tới nay.

pantanal-3283
Khói lửa bốc lên từ hiện trường vụ hỏa hoạn ở khu vực Pantanal, bang Mato Grosso, Brazil - Ảnh: AFP

Chính quyền bang Mato Grosso do Sul, nơi chiếm phần lớn vùng đất ngập nước Pantanal, từ giữa năm nay đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp về cháy rừng kéo dài 6 tháng.

Bà Silva nhấn mạnh hằng năm, diện tích thảm thực vật ở Pantanal giảm đáng kể do hỏa hoạn và nạn phá rừng để canh tác nông nghiệp.

Bộ trưởng Silva kêu gọi đầu tư ngân sách trong các trường hợp khẩn cấp về khí hậu để đối phó với tình trạng hạn hán và hỏa hoạn chưa từng có tiền lệ như hiện nay.

Với diện tích lên tới 175.000 km2, Pantanal, chủ yếu nằm trên lãnh thổ Brazil và một phần tại Bolivia và Paraguay, là một hệ sinh thái quan trọng để điều hòa nước và khí hậu trong khu vực rừng rậm nhiệt đới Amazon rộng lớn.

Khoảng 80% vùng đồng bằng ngập nước này bị nhấn chìm trong mùa mưa. Từ đầu năm tới nay, hỏa hoạn đã thiêu rụi 18.000 km2 rừng ngập nước Pantanal vốn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.

Bình luận