Trước tình hình châu Âu phải hứng chịu hai đợt nắng nóng vào giữa mùa hè, Liên đoàn Công đoàn châu Âu (ETUC) hôm thứ Hai đang kêu gọi thông qua đạo luật quy định về nhiệt độ tối đa ở nơi làm việc trên lục địa này.
"Hai công nhân đã thiệt mạng vì bị say nắng ở Tây Ban Nha vào tuần trước. Tại Pháp, quốc gia không giới hạn nhiệt độ ở nơi làm việc, cũng có 12 người tử vong vì tai nạn lao động liên quan đến nắng nóng vào năm 2020", ETUC lưu ý trong một thông cáo báo chí.
Tổng số ca tử vong thậm chí sẽ tăng thêm vào thứ Năm khi ở Tây Ban Nha, các dịch vụ khẩn cấp của khu vực Madrid đã thông báo về cái chết "do say nắng" của một người đàn ông phát tờ rơi ở các hộp thư.
Theo số liệu từ cơ quan Eurofound, 23% lao động ở châu Âu tiếp xúc với nhiệt độ cao trong ít nhất 1/4 thời gian làm việc của họ, tỷ lệ này tăng lên 36% trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp và 38% trong lĩnh vực xây dựng.
Tuy nhiên, "chỉ một số ít các nước châu Âu có luật bảo vệ người lao động trong các đợt nắng nóng", với "sự khác biệt lớn" giữa các nước.
Theo các công đoàn liên kết với ETUC, những người lao động Bỉ có công việc yêu cầu về thể chất không thể làm việc khi nhiệt độ vượt quá 22°C. Giới hạn này ở Hungary là 27°C cho cùng một loại công việc, trong khi Slovenia giới hạn nhiệt độ ở 28°C cho tất cả các nơi làm việc. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới, nhiệt độ làm việc tối ưu là từ 16-24°C.
"Điều kiện thời tiết không có biên giới quốc gia. Đó là lý do tại sao chúng ta cần chính sách trên toàn châu Âu về nhiệt độ tối đa để làm việc", Phó Tổng thư ký ETUC, Claes-Mikael Stahl giải thích trong thông cáo báo chí.
Đợt nắng nóng ập đến Tây Âu vào giữa tháng 7 đã làm thiệt mạng hơn 500 người ở Tây Ban Nha, đồng thời phá vỡ nhiều kỷ lục nhiệt độ ở Pháp, Anh và Đan Mạch.
Theo các nhà khoa học, sự gia tăng các đợt nắng nóng là hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng khí hậu, cùng với việc phát thải khí nhà kính ngày càng tăng về cường độ, thời gian và tần suất.