Chờ...

EU bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập của Ukraine, Moldova

VOH - Ngày 25/6, Liên minh châu Âu (EU) chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán kết nạp đối với Ukraine và Moldova.

Theo Hãng tin AFP, quá trình đàm phán khởi động tại Luxembourg, thông qua hai hội nghị liên chính phủ được EU tổ chức riêng biệt với mỗi nước.

Đây được xem là sự kiện bước ngoặt đối với nguyện vọng hội nhập châu Âu của hai nước cựu thành viên Liên Xô trên.

Cả hai nước này đến nay đều có ít nhiều trục trặc trong quan hệ với Nga. Ukraine và Nga đang ở trong cuộc chiến được xem là đẫm máu nhất tại châu Âu hậu Thế chiến 2.

Trong khi đó, chính trường Moldova bị chia rẽ với sự đối đầu kịch liệt của hai phe thân Nga và thân phương Tây. Sự ảnh hưởng của Nga tại đất nước này còn rõ rệt hơn khi Matxcơva duy trì hiện diện quân sự tại vùng Tranistria - khu vực tuyên bố ly khai khỏi Chisinau từ những năm đầu 1990.

Cả hai nước đều nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2022, không lâu sau khi xung đột quân sự tại Ukraine bùng nổ.

tong-thong-ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cùng cầm cờ EU - Ảnh: X

Ngay trước thềm hội nghị liên chính phủ giữa 27 nước thành viên EU và Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã viết trên mạng xã hội X: "Hôm nay là một ngày lịch sử khi chúng tôi tiếp tục quá trình đàm phán gia nhập EU một cách thực tiễn.

Tổng thống Moldova Maia Sandu cũng chia sẻ trên X: "Tương lai của chúng ta ở trong gia đình châu Âu. Cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ hơn".

Với cả Ukraine và Moldova, hội nghị liên chính phủ ngày 25/6 chủ yếu chỉ mang ý nghĩa hình thức. Các cuộc đàm phán thực tiễn sẽ được tiến hành sau đó với trọng tâm là các cải cách cần thiết để hai nước đáp ứng yêu cầu cho một nước thành viên EU.

Quá trình này có thể kéo dài nhiều năm và thậm chí sẽ không bao giờ kết thúc. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu việc đàm phán kết nạp từ năm 2005 và sau gần 20 năm thì triển vọng về đích vẫn rất mờ nhạt.

Rào cản lớn nhất của Kiev và Chisinau trong quá trình này là những nỗ lực ngăn chặn không chỉ từ Nga mà còn từ chính các nước thành viên bất bình trong EU, tiêu biểu nhất là Hungary.

Hãng tin AFP dự đoán gần như chắc chắn quá trình đàm phán sẽ không có tiến triển nào đáng kể trong nửa cuối năm 2024, thời điểm Budapest giữ ghế chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu.