Chờ...

Hai đầu tàu kinh tế châu Âu cùng đối mặt thách thức giống nhau

VOH - Sau chiến tranh lạnh, Đức và Pháp là 2 động lực lớn bậc nhất của quá trình hội nhập trong lòng châu Âu.

Tuy nhiên hiện nay, 2 quốc gia đang đối mặt với giai đoạn đầy thử thách trong nội bộ, có thể cản trở quá trình trên.

c_Scholz_Macron
Thủ tướng Đức Scholz (trái) và Tổng thống Pháp Macron - Ảnh: Politico

Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn đang choáng váng, vì kết quả bầu cử ở bang Thuringia với thắng lợi của đảng cực hữu AfD. AfD giành được 32% phiếu bầu, nhiều hơn 10% so với người về thứ 2 là liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo.

Kết quả trên có thể báo hiệu AfD sẽ chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2025. Khi đó, liên minh cầm quyền của 3 đảng gồm Dân Chủ Xã Hội của Thủ tướng Scholz, đảng Xanh và đảng Dân Chủ Tự Do sẽ chấm dứt. Tình huống xấu nhất là AfD giành chiến thắng, ông Scholz có thể vẫn duy trì được quyền lực bằng cách thành lập liên minh khác. Tuy nhiên bài học ở Pháp đang cho thấy sự thật cay đắng.

Năm 2027, tổng thống Pháp Macron không thể tranh cử do kết thúc 2 nhiệm kỳ. Nhiều tiếng nói cho rằng, khả năng cao chính trị gia cực hữu Marine Le Pen sẽ là người kế nhiệm.

Trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tháng 6 và 7 vừa qua, các đảng cực hữu ở Pháp đã giành nhiều ghế hơn đáng kể. Sau đó là cuộc bỏ phiếu bầu Hạ viện Pháp, kết quả không có đảng nào giành thế đa số. Điều này khiến Pháp không thể thành lập được 1 Chính phủ chính thức. Ngày 5/9, tổng thống Macron bổ nhiệm cựu chuyên gia đàm phán theo đường lối cứng rắn Michel Barnier làm Thủ tướng, với hy vọng nhận được sự ủng hộ từ đảng cực hữu RN. Giới quan sát vẫn đang chờ, liệu ông Barnier có thể thành lập Chính phủ mạnh mẽ và bền vững hay không.

Pháp và Đức từ lâu được xem là trung tâm quyền lực, có tiếng nói lớn trong việc kết nối châu Âu. Năm 1963, 2 nước ký hiệp định Elysee, thiết lập nền tảng cho hợp tác sau nhiều thập kỷ cạnh tranh.

Ngày nay, 2 nước chia sẻ quan điểm chung trong hàng loạt vấn đề, như cuộc chiến ở Ukraine. Tuy vậy, liên minh lỏng lẻo này đang ngày càng đối mặt nhiều thử thách. Ví dụ mối quan hệ cá nhân được cho là không tốt giữa ông Macron và Scholz. Kinh tế cả 2 ảm đạm và nỗi lo ông Trump trở lại Nhà Trắng. Trong nhiệm kỳ trước, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng kêu gọi các quốc gia noi gương vương quốc Anh, là rời khỏi liên minh châu Âu.

Theo chuyên gia Andrew Hammond viết trên Arab News, mối quan hệ giữa ông Macron và Scholz nói riêng, cũng như mối quan hệ Pháp - Đức nói chung, vẫn đóng vai trò định hướng ở liên minh châu Âu. Tuy nhiên rủi ro đang gia tăng, đe dọa không chỉ tương lai quan hệ 2 nước, mà cả quan hệ trong nội bộ EU.