Chờ...

Liệu Ả Rập Xê Út có chấp nhận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel?

VOH - Trong những năm qua, Israel và Ả Rập Xê Út là đối tác của nhau trên nhiều phương diện, nhưng vẫn chưa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Lãnh đạo 2 nước bí mật trao đổi, lên phương án đối phó kẻ thù chung là Iran, lên kế hoạch cùng nhau bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông, âm thầm thúc đẩy các doanh nghiệp 2 bên hợp tác, và đều là thành viên của liên minh quốc phòng do Mỹ đứng đầu.

Dẫu vậy, trong khi 5 thành viên khác của Liên đoàn Ả Rập đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel, Ả Rập Xê Út muốn thay đổi chính sách 75 năm qua, để bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái, lại không đơn giản như vậy.

Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ và Thái tử Ả Rập Xê Út

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Ả Rập Xê Út Bin Salman. Ảnh: The Economist.

Vị vua 87 tuổi của Ả Rập Xê Út, Salman bin Abdelaziz, vẫn có 1 thái độ dè dặt với Israel, chủ yếu liên quan đến vùng đất Palestine.

Vị vua này từ lâu đã ủng hộ sáng kiến hòa bình Ả Rập năm 2002, trong đó quy định bình thường hóa quan hệ chỉ có thể diễn ra, sau khi Israel rút khỏi các lãnh thổ chiếm đóng từ năm 1967, và đồng ý để nhà nước Palestine ra đời.

Từ khi sáng kiến được đưa ra năm 2002 tới nay, không có bất kỳ tiến bộ nào liên quan đến việc giải quyết mâu thuẫn giữa Palestine và Israel.

Năm 2020, Bahrain và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel, một bước đi mà họ khó có thể thực hiện, nếu không nhận được sự ủng hộ ngầm của Ả Rập Xê Út. Một loạt các hoạt động ngoại giao giữa Ả Rập Xê Út, Israel và Mỹ gần đây cho thấy, vương quốc Hồi giáo này có thể sẵn sàng thay đổi chính sách.

Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, ông Faisal Bin Farhan nói vào tháng 6: “Chúng tôi tin rằng, bình thường hóa quan hệ với Israel, sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho 2 nước lẫn khu vực.”

Đây là lần hiếm hoi một quan chức Ả Rập Xê Út công khai nói về mong muốn bình thường hóa quan hệ với nhà nước Do Thái.

Lý do của sự thay đổi lập trường này, có thể đến từ thái độ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Ả Rập Xê Út. Từ khi Nga tấn công Ukraine, Washington đã thất bại trong việc thuyết phục các nhà sản xuất dầu mỏ trong khu vực Trung Đông, tăng cường sản xuất để hạ giá xuống. Không những vậy, Trung Đông còn phối hợp với Nga cắt giảm sản lượng, khiến giá dầu lên cao.

Đầu năm nay, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, khi làm trung gian thành công cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và đối thủ lâu lâu năm là Iran.

Nếu giúp Ả Rập Xê Út bình thường hóa quan hệ với Israel lúc này, Mỹ có thể làm mới lại liên minh với cường quốc dầu mỏ hàng đầu thế giới. Điều đó có thể giúp quá trình đàm phán hạt nhân với Iran dễ dàng hơn, tiến tới 1 thỏa thuận để đối lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Hỗ trợ cải thiện quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel, có thể giúp Washington đạt được mục đích kép.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu không giấu khát khao bình thường hóa quan hệ với quốc gia mạnh bậc nhất trong thế giới Ả Rập. Khi đó, môi trường hòa bình xung quanh biên giới sẽ được củng cố, các nhóm cực đoan người Palestine sẽ buộc phải hợp tác.

Một thỏa thuận như vậy, cũng sẽ làm dịu đi sự phản đối của người dân trong nước, khi Israel không thể gây áp lực lên Iran, cũng như không thể cô lập được nước Cộng hòa Hồi giáo liên quan đến chương trình hạt nhân suốt hàng chục năm qua.

Theo một số nguồn tin, Ả Rập Xê Út có một số điều kiện để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel.

Ví dụ, Hoa Kỳ phải cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến, hỗ trợ chương trình hạt nhân dân sự và thậm chí là ký kết 1 hiệp ước phòng thủ chiến lược. Đây là những điều Hoa Kỳ có thể chưa muốn làm, nhưng cũng không phải là quá khó.

Về phần mình, Israel có thể phải nhượng bộ liên quan đến vấn đề người Palestine. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, chính phủ hiện tại của Israel đang vô cùng cứng rắn trong vấn đề người Palestine, như khuyến khích xây dựng thêm các khu định cư Do Thái tại bờ Tây sông Jordan, nên vấn đề này được cho là không dễ để giải quyết.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu lợi ích của các bên là quá lớn trong việc bình thường hóa quan hệ, ví dụ Hoa Kỳ chấp nhận yêu cầu hỗ trợ nâng cấp năng lực quốc phòng cho Ả Rập Xê Út, thì quan điểm của Riyadh về vấn đề người Palestine, không loại trừ khả năng sẽ có sự thay đổi.