Tiêu điểm: Nhân Humanity

Loạt thương vụ 'khủng' trong ngành dầu mỏ Mỹ

VOH - Sau thỏa thuận "khủng" thâu tóm đối thủ CrownRock của tập đoàn dầu mỏ Occidental Petroleum, nhiều ý kiến cho rằng tương lai ở Mỹ sẽ có thêm nhiều công ty dầu mỏ từ các thỏa thuận tương tự.

Tập đoàn dầu mỏ Occidental Petroleum của Mỹ cho biết họ đã đạt được thỏa thuận thâu tóm nhà sản xuất năng lượng đối thủ CrownRock với giá 12 tỷ USD.

Theo Occidental Petroleum, giá trị thương vụ này bao gồm 9,1 tỷ USD mua lại khoản nợ mới của CrownRock, khoảng 1,7 tỷ USD vốn cổ phần phổ thông và 1,2 tỷ USD mua lại khoản nợ hiện tại của công ty tư nhân này.

Bà Vicki Hollub, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Occidental Petroleum, cho biết thỏa thuận trên là một "bước đi chiến lược" của tập đoàn. Bà cũng bày tỏ tin tưởng rằng việc thâu tóm các tài sản của CrownRock sẽ bổ sung vào danh mục đầu tư mạnh nhất và khác biệt nhất mà Occidental từng có. Dự kiến việc mua bán sẽ hoàn tất vào quý I/2024.

Đây là thương vụ mới nhất trong hàng loạt động thái thâu tóm của các tập đoàn năng lượng chỉ trong chưa đầy 3 tháng qua. Giới phân tích nhận định thương vụ này sẽ củng cố vị thế của Occidental Petroleum tại lưu vực Permian - khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất của Mỹ.

Các tài sản của công ty tư nhân CrownRock sẽ giúp mở rộng quy mô của Occidental trong khu vực bao gồm cả lưu vực Midland, một phân khúc quan trọng của lưu vực Permian từng đưa Texas trở thành bang sản xuất dầu mỏ hàng đầu.

Thỏa thuận 'khủng' tạo đà tăng số lượng công ty dầu mỏ ở Mỹ?
Bên ngoài trụ sở tập đoàn dầu mỏ Occidental Petroleum - Ảnh: Medium

Giám đốc điều hành Smead Capital Management, Cole Smead, cho rằng vụ thâu tóm CrownRock đi theo xu hướng gần đây của nền công nghiệp dầu mỏ Mỹ, khi số lượng giao dịch quy mô lớn ngày càng tăng nhờ có nguồn tiền mặt dồi dào sau khi gặt hái lợi nhuận đáng kể vào năm 2022.

Theo ông Smead, Mỹ sẽ có 10 công ty dầu mỏ vào cuối thập kỷ này.

Trước đó vào tháng 10, tập đoàn dầu khí ExxonMobil thông báo họ đã thâu tóm đối thủ Pioneer Natural Resources với giá khoảng 60 tỷ USD trong một nỗ lực tương tự nhằm củng cố vị thế tại Permian. Sau đó, "gã khổng lồ" năng lượng Chevron tuyên bố mua lại nhà sản xuất dầu khí Hess với giá 53 tỷ USD.

Giám đốc quản lý của Water Tower Research, Jeff Robertson, nhận định xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2024 và việc hợp nhất sẽ đưa thêm các tài sản ra thị trường, tạo ra các cơ hội tăng trưởng cho các công ty.

Bình luận