Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm mới phát hành đã tăng 0,045% lên 1,43% lần đầu tiên từ tháng 11/2009. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 5 năm đạt mức 1% lần đầu tiên từ tháng 10/2008.
Lợi suất đang tăng do triển vọng lạm phát cao. Tỷ lệ lạm phát hòa vốn 10 năm, thước đo kỳ vọng lạm phát của các nhà đầu tư, đã tăng lên 1,6%. Năm 2020, tỷ lệ này ở mức âm.

Lạm phát tại Nhật Bản thường bị thúc đẩy bởi hàng hóa nhập khẩu giá cao. Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra năm 2022, giá ngũ cốc và năng lượng lên cao, khiến giá tiêu dùng ở Nhật Bản tăng 2,5%.
Thời gian qua, mặc dù áp lực từ bên ngoài đã giảm bớt, Nhật Bản vẫn đối mặt với lạm phát từ yếu tố bên trong như thiếu hụt lao động. Khi chi tiêu của người dùng và đầu tư vốn vượt quá nguồn cung, sẽ tạo ra tình trạng thiếu thiết bị và nhân sự, đẩy giá cả lên cao.
Ông Naoki Tamura, thành viên Ban chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chia sẻ: “Tôi nghĩ một lý do khiến lạm phát vẫn tiếp diễn ở Nhật, là giá cả chịu áp lực do khoảng cách sản lượng dương, tức nhu cầu vượt khả năng cung ứng.”
Khoảng cách cung cầu do ngân hàng trung ương công bố, vốn ở mức ấm trong vài năm qua, từ lâu được coi là không phản ánh đầy đủ các điều kiện thực tế của thị trường lao động.
Khi ông Hiroshi Kawata, chuyên gia kinh tế tại Mizuho Research & Technologies tính đến các yếu tố như tăng giờ làm do thiếu lao động, kết quả cho thấy khoảng cách cung - cầu của Nhật Bản chuyển sang dương vào khoảng giữa năm 2022.
Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) do Văn phòng Nội các Nhật công bố - thước đo rộng về xu hướng biến động giá cả - cho thấy tốc độ tăng nhanh hơn trong quý 4/2024.
Ông Naohiko Baba, chuyên gia kinh tế tại Barclays nói rằng, điều này thể hiện việc thoát khỏi tình trạng giảm phát đang dần được thực hiện.
Từ tháng 7/2023, Ngân hàng Trung ương Nhật đã chấm dứt chính sách lãi suất âm và kiểm soát đường cong lợi suất, hướng đến mục tiêu trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế sau nhiều thập kỷ đấu tranh với nguy cơ giảm phát.
Tháng 1/2025, Ngân hàng Trung ương Nhật tăng lãi suất chính sách ngắn hạn thêm 0,25%, lên 0,5%, mức cao nhất trong 17 năm.
Ông Katsutoshi Inadome, chuyên gia kinh tế tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management cho biết, lãi suất tăng là sự trở lại bình thường của mức lãi suất bị giữ ở điểm thấp 1 cách bất công. Nhưng nếu lạm phát dự kiến của Nhật tăng, lãi suất thực sẽ giảm sâu hơn nữa xuống mức âm, trừ khi lãi suất danh nghĩa thay đổi. Điều này cho thấy, ngân hàng trung ương sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất nữa.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật, ông Ryozo Himino trong bài phát biểu ngày 30/1/2025 nhận xét, không bình thường khi lãi suất thực rõ ràng vẫn ở mức âm trong suốt thời gian dài.
Giới đầu tư và phân tích cho rằng, khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật tăng tăng lãi suất vào tháng 7 tới là 86% so với con số 62% lúc ông Himino đưa ra phát biểu trên. Một số nhà quan sát thậm chí dự đoán, lãi suất sẽ được tăng trong cuộc họp vào tháng 6 tới.