Trước đó vào ngày 24/10, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cũng đã gửi thư đến Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông tin chi tiết về cáo buộc nói trên.
“Chúng tôi hài lòng vì đã giúp nâng cao nhận thức về vấn đề này. Tôi không ngại bị mọi người cho rằng Nga giả vờ cần sự giúp đỡ nếu điều này không xảy ra vì nó là một thảm họa khủng khiếp, có khả năng thể đe dọa cả Trái đất này”, Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy nói.
Ông Polyanskiy cũng cho biết các thông tin tình báo về cáo buộc “bom bẩn” lần này đã được chia sẻ với các đối tác phương Tây “ở mức độ cần thiết và rõ ràng”.
Những ngày gần đây, Nga cáo buộc Ukraine đang tiến hành sản xuất “bom bẩn” tại 2 địa điểm hạt nhân, nhưng chưa đưa ra bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, phía các nước gồm Anh, Pháp và Mỹ đã bác bỏ cáo buộc, nói rằng đây chỉ là cái cớ nhằm leo thang xung đột của Moscow.
Đại sứ Anh tại LHQ James Kariuki nói: “Chúng tôi không nghe thấy hay nhận được bất kỳ bằng chứng nào”, và cho rằng Nga đã cáo buộc sai sự thật.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - cơ quan giám sát các chương trình hạt nhân của LHQ - cũng cho biết đang chuẩn bị cử nhóm chuyên gia đến hai địa điểm ở Ukraine, theo yêu cầu của nước này, để làm rõ các cáo buộc liên quan.
"Bom bẩn" là thuật ngữ để chỉ loại vũ khí sử dụng chất nổ thông thường trộn với vật liệu hạt nhân dưới dạng bột hoặc viên, có khả năng phát tán chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn. Bom bẩn không có sức hủy diệt lớn như vũ khí hạt nhân, nhưng rất dễ chế tạo, đặc biệt là với những nước sở hữu vật liệu hạt nhân. Nếu được sử dụng ở Ukraine, nó có thể gây ô nhiễm phóng xạ và kích động hoảng loạn ở nhiều nước châu Âu.
Cũng trong ngày 25/10, công ty điều hành năng lượng hạt nhân của Ukraine, Energoatom, cho biết lực lượng Nga đang thực hiện "công việc bí mật" tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có quy mô lớn nhất châu Âu.
Theo Energoatom, họ nghi ngờ Nga "đang chuẩn bị một hành động khủng bố bằng cách sử dụng vật liệu hạt nhân và chất thải phóng xạ được lưu trữ tại nhà máy", gồm 174 thùng chứa vật liệu hạt nhân tại cơ sở lưu trữ nhiên liệu khô đã qua sử dụng tại đây.
Công ty này cũng cảnh báo nếu các thùng chứa này nổ, nó sẽ dẫn tới tai nạn phóng xạ và ô nhiễm phóng xạ trong vùng lãnh thổ rộng hàng trăm km vuông, đồng thời kêu gọi IAEA tiếp tục theo dõi những gì đang xảy ra.