Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới đang thảo luận về những vấn đề an ninh toàn cầu, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance kêu gọi các quốc gia châu Âu chấm dứt chính sách cô lập các đảng cực hữu.
Đây là một phát biểu gây sửng sốt, khi ông chỉ ra rằng việc từ chối hợp tác với các đảng này không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại của châu Âu.
Theo ông Vance, tư tưởng cực hữu mặc dù gắn liền với phe phát xít trong Thế chiến 2, nhưng trong thời đại ngày nay, việc không thừa nhận sự thay đổi của các đảng cực hữu có thể là một sai lầm.
Ông lập luận rằng tình hình kinh tế suy thoái và cuộc khủng hoảng người nhập cư trong những năm qua khiến nhiều người dân châu Âu ngày càng mất niềm tin vào các chính sách cấp tiến. Điều này mở ra cơ hội cho các đảng cực hữu gia tăng sự ủng hộ trong khu vực.

Theo Phó Tổng thống Mỹ, các chính phủ châu Âu cần phải thay đổi quan điểm và bắt đầu hợp tác với những đảng này để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề quốc gia.
Dù Phó Tổng thống Mỹ không nêu đích danh, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng ông Vance đang ám chỉ Đảng AfD (Alternative für Deutschland) ở Đức, một đảng cực hữu ngày càng thu hút được sự ủng hộ trong dân chúng. Đảng này bị chỉ trích vì sử dụng những ngôn từ bị cho là tương đồng với chủ nghĩa phát xít, khiến họ bị chính quyền Đức và các tổ chức chính trị khác ở châu Âu tẩy chay.
Phó Tổng thống Vance nhấn mạnh: “Không có chỗ cho việc dựng tường lửa”, ám chỉ sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị.
Phát biểu của ông Vance khiến nhiều đại biểu hội nghị không khỏi bất ngờ, với nhiều người tỏ ra sửng sốt trước quan điểm của một quan chức cấp cao từ Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng không ngần ngại chỉ trích mối đe dọa an ninh lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt hiện nay, không phải từ Nga hay Trung Quốc, mà là từ "kẻ thù bên trong", ám chỉ sự gia tăng các chính sách đàn áp tự do ngôn luận ở nhiều quốc gia châu Âu.
Để củng cố thông điệp của mình, ông Vanc gặp và trao đổi với bà Alice Weidel, ứng viên thủ tướng Đức của Đảng AfD, ngay trong ngày hôm đó. Đây là một động thái gây thêm sự chú ý và khiến dư luận không khỏi bàn tán.
Các nhà lãnh đạo Đức phản đối mạnh mẽ quan điểm của ông. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius chỉ trích ông Vance, cho rằng bài phát biểu của ông có thể bị hiểu là so sánh một phần châu Âu với các chế độ độc tài.
Ông Pistorius nói: “Nếu tôi hiểu đúng ý ông ấy, thì ông ấy đang so sánh một phần châu Âu với các chế độ độc tài. Đây là điều không thể chấp nhận được. Điều đó không phải là châu Âu, không phải là dân chủ.”
Phản ứng từ các chính trị gia Đức còn mạnh mẽ hơn khi Nghị sĩ Thomas Silberhorn nhấn mạnh rằng việc các đảng cực đoan ở Đức công khai nhắc đến chủ nghĩa Nazi là một sự xúc phạm đối với những nỗ lực giải phóng đất nước khỏi chế độ này.
Tuy nhiên, phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ lại nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Donald Trump. Ông Trump ca ngợi ông Vance và cho rằng bài phát biểu của ông rất tuyệt vời, đặc biệt là về vấn đề tự do ngôn luận ở châu Âu.
Tổng thống Mỹ khẳng định: “Tôi nghĩ đúng là ở châu Âu, họ đang mất đi quyền đó. Tôi thấy được điều đó. Ông Vance có bài phát biểu rất tốt.”