Gà rán là món ăn được đặc biệt yêu thích tại quốc gia Đông Bắc Á. Chúng có mặt mọi nơi, từ buổi họp gia đình, đến chương trình phát sóng về ẩm thực trực tiếp, với sự tham gia của những ngôi sao K-pop hàng đầu thu hút 10 triệu người xem. Vì lý do trên, các địa điểm ăn nhanh có gà rán xuất hiện tại mọi góc phố. Tuy nhiên, cửa hàng của cô Kang Ji-young ở thủ đô Seoul - mang tên Robert Chicken, lại có sự khác biệt, đó là sử dụng đầu bếp robot.
Robot có thể lấp chỗ trống do thiếu nhân lực
Ở Hàn Quốc, gà rán thường kết hợp với bia lạnh, gọi chung là “chimaek” - một từ ghép trong tiếng Hàn nghĩa là gà và bia. Nước này cũng là thị trường gà rán lớn thứ 3 thế giới, trị giá hơn 5 tỷ USD mỗi năm, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dẫu vậy, lĩnh vực ngày càng khan hiếm lao động, do người trẻ muốn làm đầu bếp đang ít dần và tình trạng dân số giảm.
Theo nghiên cứu của Chính phủ Hàn Quốc năm 2022, khoảng 54% doanh nghiệp trong ngành thực phẩm ở nước này thiếu nhân công. Do đó, các nhân sự còn lại thường phải làm thêm giờ với tình trạng căng thẳng cao.
Quy trình rán gà ở Hàn Quốc cũng lâu hơn và phức tạp hơn so với ở Hoa Kỳ, do phải ngâm nước muối và chiên 2 lần. Điều này mang lại vẻ ngoài giòn đặc trưng, nhưng cũng tạo thêm công việc, và khiến đầu bếp mệt mỏi vì tiếp xúc với dầu nóng lâu.
Cô Kang Ji-young, 1 doanh nhân 38 tuổi ở thủ đô Seoul, đã nhìn thấy cơ hội cải thiện quy trình làm việc ở cửa hàng của mình. Cô sử dụng 1 robot có cấu tạo đơn giản, chủ yếu nhờ cánh tay cơ khí linh hoạt được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), có thể chiên 100 con gà trong 2h đồng hồ - tương đương với sức làm của 5 người cùng thời gian.
Cô Kang nói với AFP: “Thị trường gà rán ở Hàn Quốc rất lớn. Thịt gà và thịt lợn cốt lết là 2 món khách hàng yêu thích. Thời gian qua chúng ta đã thấy công nghệ được áp dụng trong mua bán và phân phối mạnh mẽ như thế nào. Giờ đây, công nghệ có thể áp dụng trong nấu nướng, nhằm bù đắp tình trạng thiếu lao động ở những việc nặng nhọc. Từ khi dùng robot này, chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều, từ thời gian, tiền bạc, nhất là không còn sợ rủi ro tai nạn với đầu bếp thật.”
Cô Kang tự hào khoe, robot không chỉ làm nhanh hơn, sạch hơn, mà còn ngon hơn với hương vị hấp dẫn hơn.
Foodtech – lĩnh vực đầy hứa hẹn trong tương lai
Hàn Quốc là siêu cường về văn hóa, khi phim ảnh và âm nhạc phủ sóng khắp thế giới. Nước này cũng là nhà xuất khẩu chất bán dẫn và đóng tàu hàng đầu. Năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc công bố đầu tư hàng triệu USD vào công nghệ thực phẩm hay còn gọi là foodtech, nhằm giúp các công ty khởi nghiệp nghiên cứu giải pháp công nghệ cao. Chính phủ cho rằng, những đổi mới có thể trở thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế đang gặp khó khăn. Hàn Quốc đủ khả năng để đi tiên phong, vì sở hữu sẵn nền tảng rất mạnh về công nghệ robot lẫn trí tuệ nhân tạo (AI).
Giáo sư Lee Ki-won từ Đại học Quốc gia Seoul cho biết, công nghiệp thực phẩm chất xám cao đang phát triển mạnh mẽ. Ví dụ ứng dụng giao hàng thông minh Market Kurly, nhà bếp thông minh AI, hay trứng thuần chay cho người không muốn ăn thịt. Tất cả có giá trị hàng triệu USD mỗi tháng, và đang tăng dần với tốc độ ngày càng nhanh.
Ngay cả Samsung Electronics – gã công nghệ lớn nhất Hàn Quốc và hàng đầu thế giới, cũng rục rịch tham gia lĩnh vực đầy hứa hẹn trên. Gần đây hãng đã tung ra ứng dụng Samsung Food – nền tảng lập kế hoạch ăn uống và cung cấp công thức nấu nướng cho cá nhân có nhu cầu. Ứng dụng này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), và hỗ trợ người dùng với giao diện bằng 8 ngôn ngữ.
Phát hành tại 104 quốc gia trên thế giới, Samsung Food mang đến trải nghiệm ẩm thực toàn diện thông qua hơn 160.000 công thức nấu ăn có sẵn, hoạt động như một trợ lý cá nhân, giúp người dùng khám phá các món ăn mới, lập kế hoạch món ăn phù hợp và đặt mua nguyên liệu trực tuyến. Dịch vụ này cũng giúp người dùng kiểm soát các thiết bị nấu ăn, đồng thời cho phép chia sẻ công thức nấu ăn yêu thích lên mạng xã hội.
Samsung Food sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vượt xa khả năng hiện có của những ứng dụng cùng thể loại khác. Samsung Food xài cơ sở dữ liệu phong phú của Whisk, một nền tảng chuyên về thực phẩm thông minh, được Samsung Next mua lại năm 2019, nhằm tận dụng Food AI, với chức năng gợi ý bữa ăn dựa trên sở thích của người dùng và mùa vụ các loại thực phẩm hiện có ngoài thị trường.
Ông Chanwoo Park, Trưởng nhóm Dịch vụ Kinh doanh Thiết bị Kỹ thuật số tại Samsung nói: “Món ăn chúng ta thưởng thức và cách chúng ta chế biến, là trọng tâm trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta đều thích nấu nướng và ăn cùng nhau. Bằng cách kết nối các thiết bị kỹ thuật số và thiết bị di động trong hệ sinh thái Samsung, cũng như hỗ trợ người dùng từ danh sách công thức có sẵn, Samsung Food đang sử dụng tính năng AI tiên tiến, để mang đến trải nghiệm ẩm thực tất cả trong một, được cá nhân hóa cao mà người dùng có thể kiểm soát ngay trong tầm tay.”
Samsung Food hỗ trợ người dùng từng bước, trong quá trình lập kế hoạch nấu nướng, bao gồm 4 chức năng chính: Khám phá kho tàng ẩm thực, lên kế hoạch bữa ăn phù hợp, nấu ăn và chia sẻ qua mạng xã hội.
Để tìm hiểu các công thức nấu ăn, Samsung Food cho phép người dùng lưu công thức của riêng mình. Ứng dụng cũng phân tích công thức nấu ăn, chuẩn hóa định dạng và sắp xếp chúng, để tạo ra gợi ý mua sắm nguyên vật liệu. Ngoài thiết bị di động, người dùng có thể truy cập Samsung Food bằng tủ lạnh Bespoke Family Hub. Tủ lạnh có gắn màn hình cảm ứng Family Hub dễ dàng thao tác. Đặc biệt, ứng dụng Samsung Food sẽ đưa ra đề xuất về món ăn, dựa trên những gì đang có trong tủ lạnh.
Samsung Food cũng có chức năng chuyển đổi. Ví dụ cùng thể loại thức ăn đó, nhưng có cách chế biến dành cho người ăn chay và ăn mặn khác nhau, hoặc phiên bản Hàn Quốc của món mì Ý.
Những gợi ý về bữa ăn hàng ngày, được AI tính toán dựa trên 1 số đặc tính như: Thói quen của người dùng, sở thích, khẩu vị và tình hình tài chính. Thông tin về dinh dưỡng của món ăn cũng được AI tổng hợp, từ đó gợi ý những nguyên liệu nào tốt và phù hợp nhất cho sức khỏe.
Người dùng có thể dễ dàng giao lưu với nhau trên Samsung Food, bằng cách chia sẻ món ăn mình yêu thích với cộng đồng, cũng như theo dõi hoạt động của bạn bè.
Giáo sư Lee dự đoán, các tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc có thể sớm theo chân Samsung.
Ông nói tiếp: “Việc giao hàng bằng xe điện hoặc robot tới các chung cư, có thể sớm trở thành 1 phần trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Thậm chí, giao hàng bằng thiết bị bay không người lái (drone) cũng sẽ sớm xuất hiện. Công nghệ này nhiều doanh nghiệp đã làm chủ, hiện vướng vấn đề pháp lý và an ninh quốc gia. Tôi tin trong 10 năm tới, ngành công nghệ thực phẩm sẽ đóng vai trò hàng đầu trong nền kinh tế Hàn Quốc.”
Doanh nhân Kang Ji-young hiện sở hữu 15 cửa hàng gà rán có sử dụng robot nấu ăn ở Hàn Quốc, và 1 chi nhánh tại Singapore.
Tại 1 điểm bán ở thủ đô Seoul, cô Kang giới thiệu với các phóng viên quy trình robot làm việc, từ ngâm gà trong dầu, lật gà để chín đều, đến vớt gà lúc vừa chín giòn. Mọi công đoạn, robot thực hiện vô cùng chuẩn xác.
Với khách hàng, nhiều người vẫn không biết điều gì đằng sau tạo nên mỗi bữa ăn của mình.
Kim Moon-jung, 1 nhân viên bảo hiểm 54 tuổi nói, bà không rõ robot tạo ra sự khác biệt như thế nào. Nhưng sau khi thưởng thức, bà khẳng định món gà có vị ngon tuyệt hảo.
Một nam khách hàng là quan chức địa phương đã nghỉ hưu 65 tuổi nói: “Nếu chưa được giới thiệu, tôi không nghĩ món ăn này do robot nấu. Điều đó cho thấy, công nghệ đã lấn sâu vào thói quen ăn uống của chúng ta lắm rồi. Tôi nghĩ cũng rất tốt, nó sẽ giải bài toán thiếu nhân lực, mà lại đảm bảo chất lượng dịch vụ. Hôm nay robot nấu ăn, tôi tin ngày mai robot sẽ phục vụ từ bếp tới tận bàn của khách.”
Theo cô Kang, điểm khác biệt so với đầu bếp thông thường, là robot có thể theo dõi nhiệt độ và tỷ lệ oxy trong dầu. Do đó, chúng đảm bảo được hương vị ngon nhất và an toàn vệ sinh tuyệt đối. Đây là điều người thường không làm được. Đầu bếp thường phán đoán dựa vào kinh nghiệm và cảm tính.
Cô Kang cũng kể, lúc bắt đầu sử dụng, có gặp đôi chút khó khăn, vì khách hàng muốn được người thật phục vụ. Sau 1 thời gian, khách hàng được trải nghiệm món ăn vừa ngon vừa sạch, giờ đây tất cả đều vui vẻ ủng hộ.
Kế hoạch tiếp theo của cô Kang, là mở 1 quán bar ở khu người Hàn tại thành phố New York. Nơi đây còn được gọi là Koreatown. Quán bar sẽ phục vụ cocktail và rượu gạo soju truyền thống, tất cả được pha chế bởi robot.