Chờ...

Tại sao ông Thaksin quyết trở về Thái Lan dù sẽ bị bắt?

VOH - Ông Thaksin từng cho biết, động lực khiến ông quay về Thái Lan là để dành thời gian bên con cháu - nhưng giới quan sát tin rằng, quyết định này liên quan đến việc đảng Pheu Thai lên nắm quyền.

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra ngày 22/8 trở về thủ đô Bangkok sau 15 năm lưu vong, được đại gia đình và nhiều người ủng hộ chào đón.

Sau đó, ông bị Tòa án Tối cao tuyên 8 năm tù, liên quan những vụ án về lạm quyền, ra lệnh bất hợp pháp cho một ngân hàng phát hành khoản vay nước ngoài và nắm giữ cổ phần trái phép thông qua người ủy nhiệm.

Ông Thaksin chủ yếu sống ở Dubai trong quãng thời gian lưu vong.

Ông Thaksin có một con trai và hai con gái, đều sống ở Thái Lan. Paetongtarn, con gái út của ông Thaksin, đã sinh con thứ hai hồi tháng 5. Cựu thủ tướng từng cho biết, động lực khiến ông quay về Thái Lan là để dành thời gian bên con cháu.

Ông nói: "Tôi đã được tự do đi bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhưng phải chịu án tù xa gia đình. Nếu trở về và phải ngồi trong một nhà tù nhỏ hơn, điều đó không thành vấn đề".

Ngày 22/8, Paetongtarn, con gái út của ông Thaksin đăng bức ảnh ông chụp cùng vợ chồng ba người con và 7 cháu trong phòng phòng chờ VIP của sân bay, sau khi ông về nước.

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra
Ông Thaksin (giữa) cùng các con cháu tại phòng chờ sân bay sau khi ông về nước ngày 22/8. - Ảnh: Instagram/Paetongtarn Shinawatra

Ông Thaksin đã vài lần hoãn kế hoạch hồi hương và ông cuối cùng trở về vài tiếng trước khi quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bầu thủ tướng. Người được chọn dẫn dắt đất nước là tài phiệt bất động sản Srettha Thavisin từ đảng Pheu Thai do gia đình Thaksin sáng lập.

Hôm 21/8, một ngày trước cuộc bỏ phiếu, Pheu Thai thông báo liên kết với 10 đảng, trong đó có hai đảng liên quan đến quân đội, để thành lập chính phủ.

Giới chuyên gia cho rằng, thời điểm ông Thaksin quay về là dấu hiệu cho thấy có một thỏa thuận ngầm, trong đó ông Thaksin sẽ được bảo đảm an toàn, giảm nhẹ bản án hoặc khoan hồng còn các đảng có liên hệ với quân đội vẫn là thành viên của chính phủ.

Tuy nhiên, Pheu Thai bác bỏ ông Thaksin có liên quan đến vấn đề lập chính phủ.

Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin - Ảnh: Reuters

Paul Chambers, chuyên gia về chính trị tại Đại học Naresuan, Thái Lan, nhận định: "Ông Thaksin phải quay trở về để lấy lại uy tín cho đảng".

Dù sống lưu vong, ông Thaksin vẫn hoạt động tích cực trên chính trường trong nước. Cựu thủ tướng Thái Lan thường thực hiện các cuộc gọi video tới những buổi mít tinh với những người ủng hộ hay các đảng được ông hậu thuẫn.

Theo các thành viên đảng Pheu Thai, họ vẫn cần ảnh hưởng và lời khuyên từ tỷ phú 74 tuổi để dẫn dắt đất nước. Các chính sách của ông vẫn được ưa chuộng ở Thái Lan, đặc biệt là chương trình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và giải ngân khoản vay cho nông dân khi ông làm thủ tướng từ năm 2001 đến 2006.

Vài tiếng sau khi trở về Thái Lan, ông Thaksin đã bị đưa vào Nhà tù Tạm giam Bangkok, ở quận Chatuchak phía bắc Bangkok, thuộc khu phức hợp nhà tù Klong Prem.

Các bác sĩ đã khám cho ông Thaksin và phát hiện ông gặp vấn đề về huyết áp, phổi, tim và cột sống. Theo quy định dành cho tù nhân lớn tuổi mắc bệnh, ông được đưa vào một phòng riêng ở Khu 7, khu trung tâm y tế của nhà tù, để được theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Phòng giam ông Thaksin có quạt điện nhưng không có điều hòa, có phòng bác sĩ ở liền kề.

Cảnh sát Thái Lan sau đó cho biết, ông Thaksin đã được chuyển đến bệnh viện vì gặp vấn đề sức khỏe trong đêm đầu tiên bị giam.

"Nhà tù nhận thấy không có đủ bác sĩ, thiết bị y tế để chăm sóc bệnh nhân. Do đó, ông ấy đã được chuyển đến bệnh viện cảnh sát", Trợ lý cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Prachuab Wongsuk thông báo.

Ông Thaksin từng là một cựu sĩ quan cảnh sát, trở thành ông trùm viễn thông trước khi tham gia chính trường. Ông được bầu làm thủ tướng Thái Lan lần đầu tiên vào năm 2001 và tiếp tục xây dựng cơ sở cử tri trung thành ở các vùng nông thôn phía bắc và đông bắc đất nước.

Những chính sách của ông đã giúp nâng cao đáng kể cuộc sống người dân như chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân và chương trình quỹ làng nhằm kích thích hoạt động kinh tế ở khu vực nông thôn. Trong nhiều năm, ông là gương mặt không thể đánh bại trong các cuộc bỏ phiếu.

Tuy nhiên, ông bị giới quân sự - bảo hoàng phản đối mạnh mẽ. Ông bị cáo buộc tham nhũng và lợi dụng đất nước vì lợi ích cá nhân. Mâu thuẫn giữa hai bên đã dẫn đến việc quân đội hai lần đảo chính, trong khi các đảng chính trị liên kết với ông Thaksin liên tục bị giải tán, các cuộc biểu tình kéo dài trên đường phố làm tê liệt thủ đô Bangkok.