Chờ...

Tin thế giới sáng 4/7: Peru ban bố tình trạng khẩn cấp vì núi lửa phun trào | Rơi máy bay quân sự ở Venezuela

VOH - Một số thông tin khác: Chi tiêu quốc phòng năm 2024 của Đức dự kiến tăng kỷ lục; Canada cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật.

Núi lửa Ubinas phun trào, Peru ban bố tình trạng khẩn cấp 

Ngày 2/7, Thủ tướng Peru Alberto Otarola cho biết trong vòng vài ngày tới, nước này sẽ ban hành tình trạng khẩn cấp tại khu vực xung quanh núi lửa Ubinas ở Moquegua, khi núi lửa này có dấu hiệu chuẩn bị phun trào, cột tro bụi từ núi lửa cao đến 1.700 mét.

Cơ quan Phòng thủ Dân sự Quốc gia của Peru (INDECI) khuyến cáo người dân tại khu vực bị ảnh hưởng, khoảng 2.000 người, ở trong nhà và đóng mọi cửa sổ, cửa chính. Đồng thời, khẩu trang và kính bảo hộ sẽ được cung cấp đến người dân. 

Miền Nam Peru là nơi có nhiều mỏ khoáng sản quan trọng và cũng là "nhà" của hàng chục núi lửa còn hoạt động, trong đó núi lửa Ubinas được xếp loại hoạt động mạnh nhất. Nước này cũng là quốc gia nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương - nơi thường xuyên xảy ra các hoạt động địa chất như động đất và núi lửa phun trào. 

Tin thế giới sáng 4/7: Peru ban bố tình trạng khẩn cấp vì núi lửa phun trào | Rơi máy bay quân sự ở Venezuela
Cột tro bụi tại núi lửa Ubinas cao đến 1.700 mét - Ảnh: The Strait Times

Rơi máy bay quân sự ở Venezuela, 1 sĩ quan thiệt mạng

Ngày 2/7, một máy bay Sukhoi MK2 số hiệu 3363 khi đang tập dượt cho lễ duyệt binh nhân Ngày Độc lập của Venezuela thì gặp sự cố và rơi tại bang Miranda, gần thủ đô Caracas của nước này. . 

Tại thời điểm xảy ra vụ việc, máy bay đang chở theo Đại tá Paulino José Millán Sabino và Trung tá Sergio Luis Hernandez Gomez của Lực lượng Vũ trang Quốc gia Bolivar (FANB). Đại tá Sabino đã thiệt mạng còn Trung tá Gomez hiện đang được điều trị tích cực.

Tin thế giới sáng 4/7: Peru ban bố tình trạng khẩn cấp vì núi lửa phun trào | Rơi máy bay quân sự ở Venezuela
Hiện trường vụ rơi máy bay ở Venezuela - Ảnh: Breaking Latest News

Chi tiêu quốc phòng năm 2024 của Đức dự kiến tăng kỷ lục 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner đang lên kế hoạch dự thảo Ngân sách Liên bang năm 2024, trong đó Chính phủ Đức dự định chi 445,7 tỷ euro - gồm 54,2 tỷ USD dành cho đầu tư và khoản vay ròng mới trị giá 16,6 tỷ euro (tương đương 18,1 tỷ USD) do chi tiêu quốc phòng cao kỷ lục.

Theo cam kết vơi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đến năm 2024 nước Đức sẽ đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó 51,8 tỷ euro dự kiến dành riêng cho chi tiêu quốc phòng và 19,2 tỷ bổ sung quỹ ngân sách cho các lực lượng vũ trang.

Bản dự thảo ngân sách chi tiết sẽ được gửi đến Hạ viện Đức muộn nhất vào giữa tháng 8 và đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể vào đầu tháng 9 năm nay.

Tin thế giới sáng 4/7: Peru ban bố tình trạng khẩn cấp vì núi lửa phun trào | Rơi máy bay quân sự ở Venezuela
Binh sĩ quân đội Đức - Ảnh: Deutsche Welle

Canada cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật

Canada là quốc gia mới nhất trong số hơn 40 quốc gia trên toàn cầu ban hành đạo luật cấm hoạt động thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật và cấm bán các sản phẩm sử dụng dữ liệu thử nghiệm trên trên động vật. 

Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos cho biết: "Bảo vệ động vật ở thời điểm hiện tại và trong tương lai là điều mà rất nhiều người Canada mong muốn thực hiện. Chúng tôi rất tự hào khi đưa ra quyết định này và cam kết với người dân Canada rằng các sản phẩm họ sử dụng không gây hại cho động vật. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các chuyên gia và đối tác quốc tế nhằm tìm ra những giải pháp an toàn để không loài vật nào phải chịu đựng hay chết do hoạt động thử nghiệm mỹ phẩm."

Tin thế giới sáng 4/7: Peru ban bố tình trạng khẩn cấp vì núi lửa phun trào | Rơi máy bay quân sự ở Venezuela
Thỏ là một trong những loài được dùng để thử nghiệm mỹ phẩm nhiều nhất - Ảnh: Getty Images

Theo tổ chức Humane Society International, quá trình thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật bao gồm các "bài kiểm tra độc tố", trong đó động vật sẽ bị buộc phải ăn hoặc bị bôi lên da các loại hóa chất. Bên cạnh yếu tố về đạo đức, quá trình thử nghiệm trên động vật cũng kém hiệu quả hơn so với những cách thức khác như mô hình máy tính hay thử nghiệm trên tế bào con người.