Tổng thống Putin sẽ tham dự diễn đàn “Vành đai - Con đường” ở Bắc Kinh vào ngày 17 và 18/10. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông ra bên ngoài Liên Xô cũ, từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở tại The Hague ban hành lệnh truy nã vào tháng 3/2023.
Trung Quốc và Nga tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2/2022, khi ông Putin thăm Bắc Kinh, chỉ vài ngày trước khi ông gửi hàng chục nghìn quân đến Ukraine, bùng phát cuộc chiến trên bộ đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Hoa Kỳ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, và Nga là mối đe dọa lớn nhất. Tổng thống Joe Biden lập luận rằng, thế kỷ này sẽ được xác định bởi cuộc cạnh tranh hiện nay giữa các nền dân chủ và chế độ chuyên chế.
Ông Graham Allison, giáo sư tại Đại học Harvard, và cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng dưới thời Bill Clinton nói với Reuters: “Trong thập kỷ qua, ông Tập đã xây dựng với nước Nga của Tổng thống Putin một liên minh không được tuyên bố, nhưng hiệu quả nhất trên thế giới. Mỹ sẽ phải đối mặt với thực tế, là một đối thủ mang tính hệ thống đang trỗi dậy nhanh chóng, và một siêu cường theo chủ nghĩa phục thù với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.”
Từ khi chiến tranh Ukraine bùng phát, Tổng thống Putin chủ yếu công du Liên Xô cũ, mặc dù ông đã thăm Iran vào năm ngoái, để hội đàm với Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Nga hiện được coi là đối tác cấp dưới của Trung Quốc, vốn đang trỗi dậy dưới thời ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ thời ông Mao Trạch Đông.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình hiện chia sẻ chung nhiều vấn đề, như coi phương Tây là suy đồi. Phương Tây lại coi Trung Quốc là thách thức quyền lực của Mỹ trên mọi lĩnh vực, từ điện toán lượng tử, sinh học tổng hợp đến gián điệp và sức mạnh quân sự.
Nhưng ông Tập, người đang dẫn dắt nền kinh tế trị giá 18 nghìn tỷ USD, đang phải cân bằng mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với tổng thống Putin, và với nền kinh tế trị giá 27 nghìn tỷ USD của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã cảnh báo Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga, khi nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD đang chiến đấu với các lực lượng Ukraine được Mỹ và Liên minh châu Âu hậu thuẫn.
Ông Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia cho biết, bối cảnh của cuộc chiến Ukraine khiến các thỏa thuận lớn Nga-Trung khó được ký kết trong chuyến thăm này. Ông nói: “Tổng thống Putin chỉ giống như khách mời danh dự, mặc dù hợp tác quân sự và hạt nhân sẽ được thảo luận. Trung Quốc không quan tâm đến việc ký kết bất kỳ thỏa thuận lớn nào, ít nhất là công khai, bởi vì những thứ có thể cung cấp tiền cho Nga, đều không tốt cho hình ảnh Trung Quốc vào thời điểm này.”
Sự biến mất của bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc suốt 6 tuần qua, cũng cho thấy các thỏa thuận có thể khó diễn ra.
Người đứng đầu các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, như Gazprom và Rosneft, sẽ tham gia cùng phái đoàn của Tổng thống Putin.
Nga muốn đạt được thỏa thuận bán thêm khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc, và có kế hoạch xây dựng đường ống “Power of Siberia-2”, đi qua Mông Cổ, có công suất hàng năm là 50 tỷ mét khối.
Hiện chưa rõ liệu thỏa thuận đường ống khí đốt, đặc biệt là giá cả và chi phí xây dựng, có được thống nhất trong chuyến thăm này hay không.