Chờ...

Trí tuệ nhân tạo có thể đe dọa bầu cử Mỹ như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm ra văn bản, hình ảnh hay âm thanh từ dữ liệu có sẵn. Tất cả điều này có nguy cơ đe dọa các cuộc bầu cử Mỹ như thế nào?

AI là một trong những công nghệ đột phá nhất trong nhiều thế kỷ qua. Công nghệ này ngày càng trở nên mạnh mẽ, song song đó là những người ứng dụng vào mục đích tiêu cực cũng tăng theo.

Một số cử tri Mỹ đang lo lắng, kỳ bầu cử quan trọng năm 2024, có thể sẽ bị người khác dùng AI can thiệp. Ví dụ khuếch đại thông tin sai lệch, khiến nội dung giả tràn ngập không gian mạng, tác động đến suy nghĩ của người đi bỏ phiếu.

Nhiều người lo ngại AI đang đe dọa các cuộc bầu cử ở Mỹ - Ảnh: Veracitiz
Nhiều người lo ngại AI đang đe dọa các cuộc bầu cử ở Mỹ - Ảnh: Veracitiz

Về cơ bản, nhiều đối tượng đã sử dụng thông tin sai lệch cố gắng làm chệch hướng các cuộc bầu cử Mỹ trong quá khứ. Nhưng với sự trợ giúp của AI, nó sẽ đơn giản và nhanh chóng hơn. AI có thể đe dọa từng phân khúc nhỏ của quá trình bầu cử, như đăng ký cử tri, bỏ phiếu và báo cáo kết quả. Nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ này phần lớn nằm trong tay các quan chức địa phương và tiểu bang. Trong gần 250 năm qua, họ đã bảo vệ những cuộc bầu cử khỏi sự can thiệp từ nước ngoài, chiến tranh, thiên tai, đại dịch và nhiều rủi ro khác.

Sau cuộc bầu cử đầy mệt mỏi năm 2020, nhiều chuyên gia cho rằng, các quan chức địa phương cần được hỗ trợ thêm. Cơ quan liên bang, nhà sản xuất thiết bị bỏ phiếu, và những tập đoàn công nghệ, nên cung cấp cho giới chức địa phương đầy đủ nguồn lực, thông tin, cách vận hành, để đảm bảo quá trình bầu cử diễn ra suôn sẻ.

Các công ty AI có thể trợ giúp bằng cách cung cấp công cụ có sẵn, để xác định nội dung tranh cãi trên mạng, đồng thời đảm bảo rằng, đối tượng bất chính không có khả năng thao túng tâm lý cử tri bằng những thông tin đó. Vấn đề ở đây, nền dân chủ và triết lý tự do của nước Mỹ, là mục tiêu chính để những đối tượng này khai thác.

Cuộc bầu cử 2020 vẫn gây ám ảnh cho nhiều người dân Mỹ - Ảnh: 6ABC
Cuộc bầu cử 2020 vẫn gây ám ảnh cho nhiều người dân Mỹ - Ảnh: 6ABC

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) dễ dàng làm ra văn bản, hình ảnh hay video. Các ứng dụng chạy bằng mô hình ngôn ngữ lớn, ví dụ ChatGPT, nhận đầu vào dưới dạng câu hỏi, sau đó tổng hợp thành văn bản dưới dạng câu trả lời. Cách thức này dễ dàng tạo ra nội dung cho email, quy trình hoạt động sản xuất, công thức nấu ăn hoặc bài báo trong vòng vài giây. Những ứng dụng tương tự cũng dùng phương tiện tổng hợp này để tạo ra thông tin giả (deepfake). Ví dụ bức ảnh trông như thật. Ngoài ra, âm thanh có sẵn được AI mô phỏng lại tương tự chính trị gia nào đó vừa phát biểu. Tình trạng này đã diễn ra tại cuộc bầu cử vừa qua ở Slovakia, làm dấy lên nhiều tranh luận.

Công nghệ tạo ra văn bản, giọng nói, hình ảnh và video, ngày càng dễ sử dụng. Trong những năm gần đây, nhiều đối thủ nước ngoài cố gắng làm suy yếu tính minh bạch của các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, bằng việc xâm nhập mạng, đánh cắp thông tin rồi tạo tình huống rò rỉ để tác động tâm lý cử tri. Giờ đây, mục đích trên ngày càng có nhiều cách để thực hiện.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ công bố vào tháng 12/2023 rằng, quy mô và phạm vi hoạt động từ nước ngoài nhắm vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, đã vượt những gì được phát hiện trong cuộc bầu cử năm 2018.

Báo cáo có đoạn: “Sự tham gia của nhiều chủ thể nước ngoài, phản ánh thay đổi trong tính toán rủi ro địa chính trị. Hoạt động gây ảnh hưởng bầu cử ngày càng được bình thường hóa, với chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Các dịch vụ hỗ trợ bởi AI, cộng với công cụ tổng hợp dữ liệu, cho phép tác nhân xấu tự động hóa quy trình, và nhắm mục tiêu vào cá nhân hay tổ chức một cách chính xác trên quy mô hơn.”

Một chuyên gia tình báo đã nghỉ hưu chia sẻ, khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2024 đến gần, các quan chức liên bang và tiểu bang đã nhận thức sâu sắc về tiềm năng phá hoại của AI. Mặc dù không quan sát thấy hành vi sử dụng AI có mục đích xấu nghiêm trọng nào trong cuộc bầu cử tiểu bang ngày 7/11/2023, nhưng tất cả đã chứng kiến công nghệ này được sử dụng trong các chiến dịch vận động tranh cử, cũng như trong cuộc bầu cử ở Slovakia và Argentina vào cuối năm 2023. Khi đối thủ đã làm quen với các công cụ mạnh mẽ và dễ tiếp cận trên, có thể giả định rằng, chúng sẽ được sử dụng thường xuyên hơn, đặc biệt ở thời điểm nhạy cảm là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024.

Kịch bản phá hoại bầu cử là rất nhiều?

Hơn hai tỷ người, tức một phần tư hành tinh, dự kiến sẽ bỏ phiếu trong nhiều cuộc bầu cử khác nhau vào năm 2024. Những lo ngại về tác động của AI đối với bầu cử không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh lưu ý, cuộc tổng tuyển cử năm nay ở xứ sở xương mù, là đợt tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra trong bối cảnh có những tiến bộ đáng kể về AI. Mô hình ngôn ngữ lớn chắc chắn sẽ được sử dụng, để tạo ra nội dung bịa đặt, giúp việc truyền bá thông tin sai lệch trở nên dễ dàng hơn. Do đó, thao túng phương tiện truyền thông trong các chiến dịch deepfake sẽ tinh vi hơn.

AI cho phép tổng hợp dữ liệu dễ dàng và toàn diện, từ đó giúp tác nhân độc hại thực hiện tấn công, bao gồm cả lừa đảo nhắm vào cá nhân hoặc tổ chức cụ thể. Khi điều này kết hợp với nội dung chất lượng cao do AI tạo ra, ngay cả những người dùng Internet thận trọng nhất cũng dễ bị qua mặt. AI còn có thể giúp tạo ra phần mềm độc hại, với khả năng tránh bị phát hiện. Hơn nữa, thông qua tối ưu hóa sự phối hợp và thời gian tấn công,

AI hỗ trợ phương pháp từ chối dịch vụ (DDOS) hiệu quả hơn. Khi đó, kẻ tấn công làm choáng ngợp một máy chủ bằng lưu lượng truy cập tăng đột biến, làm tê liệt hoặc đánh sập các trang web liên quan đến bầu cử bằng lượng dữ liệu khổng lồ. Tương tự, các công cụ được AI hỗ trợ có thể sử dụng để lấn át thông tin liên lạc tại văn phòng bầu cử, dù thông qua cuộc gọi, tin nhắn hay email. Mặc dù các cuộc tấn công này không ảnh hưởng đến dữ liệu bầu cử, nhưng gây trì hoãn hoặc cản trở quá trình bầu cử, làm suy yếu niềm tin của cử tri.

AI cũng có thể tạo ra hình thức tấn công khác, như công kích cá nhân, khiến nhiều chính trị gia mệt mỏi, giảm tinh thần. Hiện nay theo báo cáo, không ít chính trị gia và cả quan chức bầu cử, phải đối mặt với mức độ thù địch chưa từng có. Lo ngại về an toàn cá nhân, bao gồm cả nỗi lo địa chỉ nhà, lẫn thông tin riêng bị công khai, là một trong những nguyên nhân dẫn đến làn sóng từ chức của nhiều nhân viên bầu cử giàu kinh nghiệm trên khắp Hoa Kỳ.

Ngay cả trước khi ChatGPT xuất hiện, nhiều tác nhân nước ngoài đã sử dụng thông tin sai lệch, để nhắm mục tiêu vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ cũng như khắp thế giới. Với AI, giới chức Hoa Kỳ dự đoán sẽ tăng về quy mô và độ phức tạp của những kiểu tấn công này. Ví dụ đánh lừa cử tri về thông tin ứng cử viên, bằng cách tạo ra nội dung sai lệch hoặc hình ảnh bị thay đổi. AI tổng hợp sẽ mạo danh các quan chức bầu cử, nhằm truyền bá thông tin không đúng về địa điểm và giờ hoạt động của trung tâm bỏ phiếu. AI tạo ra hình ảnh hoặc video giả về nhân viên bầu cử, làm sai quy trình bỏ phiếu và kiểm phiếu. Kịch bản phá hoại bầu cử là rất nhiều, nhưng mục đích đằng sau có thể giống nhau, là làm suy yếu niềm tin của công chúng Mỹ vào quy trình bầu cử.

Cách đối phó với rủi ro từ AI

Bất chấp lo ngại ngày càng tăng, Hoa Kỳ được cho là có đủ khả năng chống lại mối đe dọa AI tạo ra với nền dân chủ. Quá trình bầu cử ở Hoa Kỳ có tính linh hoạt, phần lớn nhờ vào sự cống hiến của các quan chức ở tiểu bang - những người làm việc ngày đêm để quản lý và bảo đảm quy trình được thực hiện nghiêm túc. Các quan chức địa phương dự kiến sẽ duy trì 8.800 điểm bầu cử khác nhau trên cả nước vào giờ cao điểm.

Ngay cả trước khi AI ra đời, các quan chức bầu cử địa phương đã bảo vệ một cách hiệu quả khỏi rủi ro về mạng internet, tác động vật lý và quy trình làm việc, đặc biệt là đe dọa từ nỗ lực gây ảnh hưởng ở nước ngoài bằng thông tin sai lệch. Kết quả, không có bằng chứng nào cho thấy hệ thống bỏ phiếu làm mất phiếu bầu của cử tri từ năm 2017 tới nay. Điều này nói lên sự tận tâm của toàn bộ hệ thống bầu cử.

Các quan chức bầu cử địa phương thường xuyên nhấn mạnh rằng, biến số duy nhất trong quản lý bầu cử, là có những điều bất ngờ. Ví dụ tại quận Lee của bang Florida. Vài tuần trước ngày bầu cử giữa kỳ năm 2022, địa phương đã hứng chịu cơn bão Ian gây thiệt hại nặng nề. Hàng trăm ngàn người phải đi sơ tán nơi khác. Chỉ còn 12 trên 97 điểm bỏ phiếu hoạt động. Tuy nhiên, quá trình bầu cử vẫn diễn ra thành công. Mặc dù những thách thức kiểu này khác so với do AI tạo ra, nhưng nó cũng chứng minh rằng, quan chức bầu cử ở địa phương luôn hết mình hoàn thành công việc.

Trong 7 năm qua, Chính phủ Mỹ nhiều lần nhấn mạnh, cơ sở hạ tầng bầu cử là tối quan trọng. Giới chức địa phương luôn thiết lập các biện pháp bảo vệ an toàn cả phần cứng lẫn phần mềm phục vụ bầu cử. Họ đã triển khai nhiều cách bảo mật, để phát hiện hoạt động độc hại và giảm rủi ro cho toàn bộ quy trình bầu cử. Ví dụ yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định. Họ đã di chuyển các trang web bầu cử sang tên miền “.gov” an toàn hơn, để ngăn chặn hành vi giả mạo, hướng người dùng đến các trang web sai sự thật. Điều này giúp người dùng dễ dàng nhận biết hơn, khi họ được điều hướng đến một trang web bên ngoài tên miền trên. Các quan chức bầu cử cũng hợp tác với Cơ quan An ninh mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng của chính phủ, để chia sẻ thông tin về những mối đe dọa, nhằm xác định lỗ hổng, đánh giá an ninh vật lý, cùng cách ứng phó sự cố.

Với mối đe dọa từ AI, các chuyên gia khuyến nghị trong nhiều năm về hàng loạt công thức bảo mật, để giúp giảm thiểu rủi ro. Cụ thể, quan chức tiểu bang và địa phương có thể gây khó khăn cho kẻ tấn công, bằng cách xác thực thông tin cá nhân trực tiếp, đảm bảo chỉ những người dùng cụ thể mới có quyền truy cập và tương tác trên nền tảng về bầu cử, hoặc áp dụng cơ chế bảo mật nhằm phản ứng nhanh trước sự tiếp cận phần mềm độc hại. Để chống lại hành vi lừa đảo ngày càng khôn khéo, quan chức bầu cử cũng có thể sử dụng giao thức xác thực email, đảm bảo đúng người gửi nếu phải bỏ phiếu từ xa.

Để ngăn ngừa việc sao chép giọng nói do AI tạo ra, các quan chức bầu cử nên thiết lập biện pháp thực hành, là trước khi thông tin nhạy cảm được chia sẻ, ngay cả trong nội bộ, yêu cầu kiểm tra người gửi thông qua xác minh danh tính, bao gồm cả liên lạc theo thời gian thực. Một phương thức phổ biến không sử dụng nhiều công nghệ, nhưng vẫn hiệu quả nhiều năm qua, là mỗi quan chức bầu cử nhớ một số câu hỏi bảo mật trong từng thời gian. Các câu hỏi này phải được cung cấp, trước khi thông tin từ quan chức bầu cử đó được chia sẻ và phổ biến. Ngoài ra, công cụ xác thực như CAPTCHA, có thể được tích hợp dễ dàng vào hoạt động của trang web. Những phần mềm tự động sẽ không thể tự điền CAPCHA, nên hạn chế khả năng phá hoại. Tất cả biện pháp trên dù không hoàn hảo, đôi khi vẫn bị qua mặt, nhưng chúng có thể ngăn chặn phần lớn hành vi đáng ngờ.

Một số ý kiến nhận định, hành động quan trọng nhất mà giới chức bầu cử tiểu bang và địa phương có thể thực hiện, để giảm tác động của hoạt động gây ảnh hưởng và thông tin sai lệch từ bên ngoài, là giao tiếp minh bạch và nhất quán với công chúng, củng cố vai trò của họ như những tiếng nói có thẩm quyền. Trong bối cảnh này, sáng kiến “#TrustedInfo2024” của Hiệp hội Các Thư ký Quốc gia, là một nỗ lực giáo dục công cộng quan trọng, nhằm quảng bá các quan chức bầu cử như nguồn thông tin đáng tin cậy, đưa cử tri trực tiếp đến những trang web về bầu cử, đảm bảo cử tri nhận được thông tin chính xác nhất.

Nhằm hỗ trợ các nỗ lực này, Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng của chính phủ cần tiếp tục sử dụng trang web chính thức, để thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến mạo danh hay lừa đảo. Ví dụ so sánh các trang web thật và trang web giả về hoạt động bầu cử.

Tuy nhiên, chìa khóa để giảm thiểu mối đe dọa tiềm ẩn do AI, là nhận thức về tình huống và sự chuẩn bị sẵn sàng trong hoạt động. Văn phòng bầu cử, văn phòng tiểu bang, văn phòng địa phương cấp thấp hơn, nhà cung cấp thiết bị bỏ phiếu và nhà hỗ trợ như bên cung cấp dịch vụ Internet, phải làm việc cùng nhau để đảm bảo tất cả hiểu rõ các rủi ro, cũng như vai trò của mỗi bên trong quá trình giảm thiểu rủi ro đó. Để thành công, tất cả bên tham gia bầu cử phải liên tục chia sẻ thông tin minh bạch, thường xuyên sử dụng công cụ có sẵn để diễn tập các hoạt động dự phòng, nhằm không bị động khi tình huống bất ngờ phát sinh.

Vai trò quan trọng của các nhà báo

Không ai phủ nhận, AI đang làm phức tạp công việc của các văn phòng bầu cử, vào thời điểm mà nhiều người trong số họ gặp không ít áp lực. Tỷ lệ luân chuyển cao các chuyên gia quản lý bầu cử có kinh nghiệm trên khắp nước Mỹ, làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Mặc dù năm nay sẽ đầy thách thức đối với các quan chức bầu cử, nhưng họ đã hết lần này đến lần khác vượt qua khó khăn.

Hiện nay, tất cả 50 tiểu bang, hơn 3.700 khu vực địa phương, cũng như các tổ chức tư nhân liên quan, đều là thành viên của Trung tâm Phân tích và Chia sẻ Thông tin Bầu cử - một sáng kiến cung cấp khả năng giám sát các mối đe dọa 24/24. Ủy ban Hỗ trợ Bầu cử, một cơ quan khác của chính phủ Hoa Kỳ, cũng đang sát cánh, như bảo vệ an toàn cho hệ thống bầu cử.

Khu vực tư nhân, bao gồm nhà cung cấp dịch vụ Internet, nhà cung cấp dịch vụ đám mây (cloud computing) và công ty an ninh mạng, cùng với nhà cung cấp dịch vụ bầu cử và công ty cung cấp thiết bị bỏ phiếu, cũng nhiệt tình hợp tác.

Trong chu kỳ bầu cử trước, các nhà cung cấp dịch vụ này đã tận tâm hỗ trợ. Họ đều tự đề xuất có thể làm gì hơn nữa, để giảm thiểu rủi ro về mạng internet, tác động vật lý và vận hành cơ sở hạ tầng bầu cử, nhất là khi nước Mỹ sắp bước vào giai đoạn đặc biệt cuối năm 2024.

Các công ty AI đang xem xét cách hỗ trợ bầu cử, như phát triển công cụ để thẩm định nội dung do AI tạo ra. Năm 2023, một số công ty AI hàng đầu đưa ra cam kết tự nguyện với chính phủ, nhằm thúc đẩy sự phát triển theo hướng an toàn, tăng cường bảo mật và minh bạch. Ví dụ cung cấp cơ chế kỹ thuật sẵn có, để đảm bảo người dùng biết nội dung nào được AI tạo ra. Những công cụ này cực kỳ hữu ích, khi các quan chức bầu cử muốn phân biệt nội dung do AI tạo ra, với nội dung do con người tạo ra. Ngày nay, có nhiều hệ thống AI giúp tạo ra nội dung, nên những phương pháp xác thực như vậy cũng đang trở nên khó khăn. Do đó không ít chuyên gia vẫn thừa nhận, còn nhiều rủi ro và lỗ hổng tiềm năng có thể bị khai thác.

Điều quan trọng nữa, là giới truyền thông phải nhận thức được mối đe dọa do sử dụng AI với mục đích xấu trong kỳ bầu cử này. Các nhà báo nên đảm bảo thông tin họ chuyển đi lấy từ nguồn chính thức và đáng tin cậy. Khi thông tin không chính xác được lưu hành, họ phải đính chính và thay đổi ngay. Các hoạt động gây ảnh hưởng tinh vi từ nước ngoài, vẫn có thể nhanh chóng áp đảo thông tin của văn phòng bầu cử địa phương, cũng như vượt quá khả năng ứng phó của họ. Đây là lúc phương tiện truyền thông đóng vai trò then chốt, giúp nâng tầm các quan chức bầu cử như nguồn thông tin tin cậy nhất, đảm bảo dữ liệu chính xác được chia sẻ với công chúng.

Cử tri cũng được khuyên nên thận trọng, tiếp cận thông tin về bầu cử từ các quan chức phụ trách đúng chuyên môn, không khuếch đại hoặc làm trầm trọng thêm hành động của những kẻ bất chính, muốn phá hoại an ninh và tính toàn vẹn nền dân chủ Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, an ninh bầu cử không phải là vấn đề chính trị hay đảng phái, mà là bảo vệ sự toàn vẹn của một tiến trình thiêng liêng trong quá trình phát triển xã hội. Người Mỹ cần làm việc cùng nhau, để những ai sử dụng trí tuệ nhân tạo với mục đích thay đổi kết quả bầu cử, sẽ thất bại.