The Guardian đưa tin, quần thể cá sấu nước mặn đã tăng theo cấp số nhân trong những thập kỷ gần đây, từ dưới 3.000 con vào năm 1971 - khi lệnh cấm săn bắt được ban hành, lên hơn 100.000 con hiện nay.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, quần thể cá sấu Northern Territory tiêu thụ chưa đến 20kg con mồi trên một km2 đất ngập nước vào năm 1979, nhưng đã tăng lên khoảng 180kg trên một km2 vào năm 2019.
Phân tích này dựa trên 50 năm khảo sát của chính quyền Northern Territory ghi lại kích thước và mật độ cá sấu.

Sự gia tăng đó trùng hợp với sự chuyển dịch từ con mồi chủ yếu là động vật dưới nước, chiếm 65% chế độ ăn của cá sấu vào năm 1979, sang chủ yếu là động vật trên cạn vào năm 2019, với các động vật như lợn hoang, gia súc và trâu nước châu Á chiếm 70% chế độ ăn.
Là loài động vật biến nhiệt (thường được gọi là "máu lạnh"), cá sấu ăn ít con mồi hơn nhiều so với các loài săn mồi đỉnh cao khác, theo giáo sư Hamish Campbell của Đại học Charles Darwin, người đứng đầu nghiên cứu.
Cá sấu ăn khoảng 10% lượng thức ăn của một con sư tử có kích thước tương đương. Nhưng do chúng đã tập trung ở mật độ cao hơn nhiều ở Northern Territory nên điều này có tác động đáng kể, ông nói thêm.
Về lượng thức ăn và lượng chất thải, Campbell cho biết, con số này cực kỳ cao chỉ vì sinh khối của chúng… bằng hoặc thậm chí lớn hơn nhiều quần thể động vật máu nóng trên cạn.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, quần thể cá sấu này tiêu thụ khoảng 6 con lợn hoang trên một km2 đồng bằng ngập nước mỗi năm.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng, trong 50 năm, lượng nitơ và phốt pho mà cá sấu thải ra các tuyến đường thủy đã tăng lần lượt 186 lần và 56 lần.
Campbell cho biết, chúng lấy chất đó từ lưới thức ăn trên cạn, đó là điều khiến nó thực sự có tác động. Sau đó, chúng tiêu hóa và thải tất cả nitơ và phốt pho đó vào nước. Điều này sẽ tác động rất lớn đến năng suất của thực vật phù du và động vật phù du, vốn là nền tảng của chuỗi thức ăn.