WHO cho biết, họ đã kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp để ứng phó với trận động đất vào ngày 28/3 ở Myanmar và đang huy động trung tâm hậu cần tại Dubai để chuẩn bị nguồn cung cấp cứu thương.

Người phát ngôn Margaret Harris phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, WHO đang điều phối hoạt động ứng phó động đất từ trụ sở chính tại Geneva "vì chúng tôi coi đây là một sự kiện lớn" với " mối đe dọa rất, rất lớn đối với tính mạng và sức khỏe".
“Chúng tôi đã kích hoạt trung tâm hậu cần của mình để tìm kiếm cụ thể các vật tư chấn thương và những thứ như dụng cụ cố định bên ngoài vì dự kiến sẽ có rất nhiều, rất nhiều chấn thương cần được xử lý”, bà Harris cho biết.
Bà nói thêm rằng WHO sẽ tập trung vào việc gửi các loại thuốc thiết yếu.
Bà Harris cho biết, nhờ kinh nghiệm gần đây với trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria năm 2023, "chúng tôi biết rất rõ những gì cần phải gửi trước".
“Chúng tôi đã sẵn sàng để di chuyển – nhưng bây giờ chúng tôi phải biết chính xác ở đâu, cái gì và tại sao. Thông tin thực sự quan trọng ngay bây giờ”, bà nói.

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar cho phép “tiếp cận không bị cản trở đối với tất cả các tổ chức nhân đạo”.
Quân đội đã nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 2021, gây ra sự phản đối rộng rãi từ công chúng và đẩy đất nước vào xung đột. Quân đội đã nhiều lần bị cáo buộc chặn viện trợ cho các khu vực mà phe đối lập đang hoạt động.
Hôm nay, chính quyền quân sự đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ quốc tế hiếm hoi khi ban bố tình trạng khẩn cấp trên 6 khu vực.
Nhà nghiên cứu Myanmar Joe Freeman cho biết, quy mô của thảm họa ở Myanmar có thể không rõ ràng trong một thời gian, vì nhiều phương tiện truyền thông bị cấm và quyền truy cập Internet bị hạn chế.
"Việc dường như có nhiều hình ảnh và thông tin xuất phát từ Thái Lan hơn ở tâm chấn Myanmar là lời nhắc nhở về việc quân đội đàn áp quyền tự do báo chí kể từ cuộc đảo chính năm 2021" - ông nói.