Doanh nghiệp ngoài nước đầu tư vào bất động sản, mừng hay lo?
Bài 1: Ào ạt đầu tư vào thị trường Việt Nam
(VOH) - Dù thị trường bất động sản trong nước đang ảm đạm nhưng thời gian gần đây, thị trường đã chứng kiến sự xuất hiện của những dự án vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đô la Mỹ. Tình hình này không phải mới diễn ra trong năm nay mà 1-2 năm trước đây đã bắt đầu xuất hiện dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản tại Việt Nam và không ngừng tăng thêm năm sau cao hơn năm trước. Năm 2007, lượng vốn nước ngoài đầu tư vào bất động sản đạt mức kỷ lục 5 tỷ đô la. 6 tháng đầu năm 2008 con số này là gần 14 tỷ USD. Ở một khía cạnh nào đó thì dòng vốn này rất có ít cho thị trường địa ốc. Một số chuyên gia cho rằng: thị trường có sự tham gia của những tập đoàn bất động sản dày dạn kinh nghiệm từ nước ngoài sẽ nhanh chóng hình thành những khu đô thị, khu dân cư bài bản, đẹp đẽ, những công trình kiến trúc đẳng cấp, chất lượng. Doanh nghiệp trong nước qua đó có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện đại.
Đó là chưa kể sự tham gia này có thể giúp giải quyết bài toán nan giải về vốn đầu tư hiện nay. Điều này vẫn tốt hơn khuynh hướng thay đổi thiết kế, quy hoạch kiến trúc nhằm cắt giảm đầu tư mà một số chủ dự án trong nước chuẩn bị thực hiện. Lợi nhuận là quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư miễn là Nhà nước kiểm soát được hoạt động đầu tư, kinh doanh của họ theo đúng pháp luật, bởi nhà đầu tư nào cũng phải có nghĩa vụ về thuế, cũng góp phần tạo công ăn việc làm và là một phần trong cơ cấu phát triển kinh tế. Trước tình hình đó, một số người tỏ ra lo ngại thị trường sẽ mau chóng bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính. Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận định: “Đối với thị trường bất động sản, FDI đổ vào nhiều chưa hẳn đã là một tín hiệu tốt. Nhiều dự án chỉ là hành động “xí chỗ” của các nhà đầu tư nước ngoài”. TS Lê Đăng Doanh còn e rằng vốn đổ quá nhiều vào bất động sản mà không tạo ra nhiều việc làm hay lợi ích thiết thực cho xã hội như các dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp hay những căn hộ, biệt thự cao cấp sẽ tạo ra những hệ lụy về kinh tế - xã hội. Một số chuyên gia kinh tế khác còn cảnh báo: “Nếu họ đăng ký vốn lớn và giải ngân ồ ạt thì sẽ tác động mạnh đến lạm phát, còn giải ngân trì trệ thì thị trường bất động sản sẽ bị méo mó. Cả hai trường hợp này đều đặt ra cho cơ quan quản lý những vấn đề mà nêu không giải quyết hài hòa, coi chừng hàng chục tỷ USD trên chưa hẳn là điều đáng mừng”.
Các nhà quan sát cho rằng con số vốn đầu tư nước ngoài ở trên chỉ là vốn đăng ký, chưa phản ánh được thực chất thị trường. Số vốn này còn phải giải ngân trong nhiều năm. Tiến sĩ Trần Minh Hoàng cho rằng:
Cũng có không ít nhà đầu tư trong nước tự tin cho rằng vốn trong nước hay nước ngoài, ai đầu tư bao nhiêu không quan trọng. Vấn đề là Nhà nước phải có quy hoạch sử dụng đất dài hạn, nắm được nhu cầu về bất động sản nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và trung thành với quy hoạch đó. Ông Võ Đình Quốc, Tổng giám đốc Công ty AB land:
Hiện đang có luồng ý kiến cho rằng Nhà nước phải nhanh chóng có chính sách tiền tệ phù hợp, quy định mức dư nợ cho vay bất động sản an toàn để mở tín dụng đầu tư trở lại cho doanh nghiệp trong nước. Theo luồng ý kiến này, một khi doanh nghiệp trong nước phải rút lui gần hết thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ thống lĩnh thị trường. Lợi nhuận đầu tư, khai thác sản phẩm bất động sản là rất lớn sẽ được người nước ngoài chuyển hết về nước. Một nhà doanh nghiệp bất động sản trong nước băn khoăn: Nếu Nhà nước không khống chế vốn đầu tư nước ngoài ở mức an toàn thì thị trường sẽ bị họ lũng đoạn, khả năng họ sẽ thao túng giá cả ở những phân khúc sản phẩm có thế mạnh mà doanh nghiệp Việt Nam chưa vươn tới được là rất lớn. Lợi ít và thách thức của việc ồ ạc đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp nước ngoài thì đã thấy rõ. Cái còn lại là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có biện pháp nào để tự đề kháng. Trong phần tiếp theo chúng tôi sẽ đề cập đến các giải pháp này. Mời quý vị cùng theo dõi.
Đình Sang