Giá thép xây dựng tăng nhẹ
Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 4 nhân dân tệ lên mốc 3.608 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 10h00 (giờ Việt Nam).
Với chi phí sản xuất thấp và nguồn nguyên liệu tại chỗ, thị trường châu Á đang thu hút các nhà máy châu Âu đầu tư vào các cơ sở sản xuất thép mới tạo châu lục này, MEPS đưa tin.
Trong đó, nổi bật là sự mở rộng nhanh chóng của ngành sản xuất các sản phẩm thép cuộn không gỉ cán phẳng tại ba nước Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.
Nhu cầu thép tại khu vực châu Á không tăng đồng thời cùng với sản lượng thép, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn nguyên liệu và gây bất ổn cho giá sắt thép. Do đó, các nhà sản xuất đang định hướng tiêu thụ sang thị trường ở các châu lục khác.
Tuy nhiên, cơ hội xuất khẩu ngày càng hạn chế khi các nhà máy thép không gỉ trên toàn thế giới kêu gọi các biện pháp bảo hộ nhập khẩu hơn nữa. Đặc biệt là ở châu Âu, nơi cả nhu cầu lẫn sản lượng đều ở dưới mức trước đại dịch COVID-19.
Bất chấp việc áp dụng các biện pháp tự vệ của Ủy ban Châu Âu (EC), trong năm 2018, nhiều nhà sản xuất thép tin rằng, thị trường khu vực vẫn có tình trạng cung vượt cầu nên cần thêm các biện pháp ngăn chặn thiệt hại cho ngành thép không gỉ trong khu vực.
Do những lo ngại này, vào tháng 8/2019, EC đã bắt đầu một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn và thép tấm cán nóng không gỉ có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia.
Trong thời gian điều tra, sản lượng thép tấm và thép cuộn cán nóng không gỉ nhập khẩu vào châu Âu đã giảm đáng kể do người mua ngày càng thận trọng về những rủi ro liên quan đến việc phải chịu các khoản thuế cuối cùng.
Trước bối cảnh này, nhiều nhà máy tại châu Âu đã chuyển sang mua nguyên liệu cán nguội không gỉ để thay thế.
Các thị trường chủ yếu cung cấp sắt thép cho Việt Nam 9 tháng đầu năm
Trong 9 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu sắt thép đạt 10,36 triệu tấn, tương đương 6,05 tỷ USD, giá trung bình 584,2 USD/tấn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sắt thép nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 9/2020 tiếp tục giảm 15,3% về lượng, giảm 3,7% về kim ngạch so với tháng 8/2020, đạt 1,01 triệu tấn, tương đương 629,49 triệu USD, nhưng giá nhập khẩu tăng 13,8% đạt 622,5 USD/tấn.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu sắt thép đạt 10,36 triệu tấn, tương đương 6,05 tỷ USD, giá trung bình 584,2 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm lần lượt 4%, 15,9% và 12,4%.
Trong tháng 9/2020 đặc biệt chú ý nhập khẩu sắt thép từ thị trường Australia mặc dù khối lượng không lớn, chỉ 32.587 tấn, tương đương 13,69 triệu USD, nhưng so với tháng 8/2020 thì tăng rất mạnh 15.642% về lượng và tăng 15.054% về kim ngạch; Bên cạnh đó, nhập khẩu từ Hà Lan cũng tăng mạnh 466,7% về lượng và tăng 297% về kim ngạch, đạt 323 tấn, tương đương 0,33 triệu USD; Indonesia tăng 177% về lượng và tăng 173% về kim ngạch, đạt 28.978 tấn, tương đương 46,55 triệu USD.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu sắt thép nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, đạt 2,84 triệu tấn, tương đương gần 1,78 tỷ USD, giá nhập khẩu trung bình đạt 626,5 USD/tấn.Tiếp đến thị trường Nhật Bản đạt 1,98 triệu tấn, Ấn Độ đứng thứ 3 với 2,08 triệu tấn.
Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu sắt thép từ phần lớn các thị trường sụt giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019; trong đó sụt giảm mạnh ở các thị trường sau: Thổ Nhĩ Kỳ giảm 97% cả về lượng và kim ngạch; Brazil giảm 81% về lượng và giảm 87% về kim ngạch; Malaysia giảm 81,7% về lượng và giảm 74% về kim ngạch.
Ngược lại, nhập khẩu vẫn tăng mạnh các thị trường sau: Saudi Arabia tăng 36.490% về lượng và tăng 20.613% về kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2019, đạt 30.370 tấn, tương đương 12,63 triệu USD; Ba Lan tăng 1.301% về lượng và tăng 1.229% về kim ngạch, đạt 855 tấn, tương đương 1,01 triệu USD.