Giá thép thế giới tăng
Giá thép hôm nay giao tháng 1/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 26 đồng nhân dân tệ lên mốc 3.606 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h30, ngày 18/9, giờ Việt Nam.
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Trong những tháng tới, giá thép dự kiến sẽ tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi và nhu cầu tăng trở lại sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Nhiều nhà máy thép đang bắt đầu hoạt động trở lại sau khi khoảng thời gian ngưng sản xuất. Tuy nhiên, lợi nhuận đạt được chỉ ở mức khiêm tốn do chi phí đầu tư cho sản xuất cao hơn.
Trung Quốc là thị trường thép lớn nhất thế giới và là quốc gia đầu tiên phục hồi sau đại dịch. Giá thép cuộn cán nóng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất hiện đã tăng 37% kể từ tháng 4.
Thị trường thép tại Châu Âu và Mỹ cũng đã chứng kiến giá sắt thép tăng vọt theo xu hướng thị trường trong vài tuần qua.
Theo ông Myles Allsop, Nhà phân tích của UBS, trong số 72 lò cao với công suất 132 triệu tấn tạm ngừng hoạt động do đại dịch có đến 34% lò đã hoặc sắp được khởi động lại.
Nhu cầu thép đang được thúc đẩy bởi sự hồi sinh toàn cầu trong sản xuất công nghiệp. Chỉ số quản lí sản xuất - thu mua toàn cầu của Công ty JP Morgan chạm mức đỉnh trong vòng 21 tháng vào tháng 8 và doanh số bán hàng tăng trong lĩnh vực ô tô chủ chốt.
Bất chấp sự phục hồi của giá thép, biên lợi nhuận của công ty này vẫn đang bị ảnh hưởng do chi phí cao, đặc biệt là giá quặng sắt. Giá giao ngay của nguyên liệu SH-CCN-IRNOR62 đang dao động ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2014.
Khả năng sinh lời trong lĩnh vực thép ở Trung Quốc cũng đang chịu áp lực lớn. Tỉ suất lợi nhuận trong nước đang có dấu hiệu giảm xuống do giá cả mềm hơn cộng thêm chi phí nguyên liệu thô tăng cao.
Sản xuất và tiêu thụ thép trong nước có tháng tăng thứ hai
Tháng 8, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,3 triệu tấn, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, nếu tính chung 8 tháng, sản xuất và tiêu thụ thép vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, lần lượt giảm 5% và 6,9%.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tính riêng trong tháng 8, sản xuất thép các loại đạt hơn 2,3 triệu tấn, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ 2019.
Bán hàng thép các loại cũng tăng 5,9% so với tháng 7, lên mức 2 triệu tấn. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thép bán ra trong tháng cũng tăng 13,9%. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 462.138 tấn, tăng 8,81% so với tháng trước và tăng 29,9% so với tháng 8/2019.
Dù thế, tình hình sản xuất và bán thép, bao gồm cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trong 8 tháng qua vẫn thấp so với năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 6 tháng đầu năm. Ngành thép chỉ có dấu hiệu phục hồi từ tháng 7, khi sản xuất thép các loại trong nước đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 7,7% so với tháng 6 và ngang mức cùng kỳ 2019.
Như vậy, tính chung 8 tháng, sản xuất thép các loại đạt hơn 16 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ. Còn bán hàng thép các loại đạt 14,4 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu thép các loại giảm 13,8% so với cùng kỳ 2019, xuống còn 2,7 triệu tấn.
Ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho hay trong ngắn hạn, thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn sau thời gian giãn cách do dịch bệnh Covid-19. Tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng trong nước sẽ bớt khó khăn hơn và thị trường thép xây dựng tháng 9 sẽ tốt hơn.
Theo báo cáo ngành thép và xi măng mới đây của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), nhu cầu thép nửa cuối năm kỳ vọng phục hồi và tăng 4-5% nhờ việc xóa bỏ giãn cách xã hội và sự thúc đẩy đầu tư công (dự báo nhu cầu quanh 15% tổng sản lượng thép).
Thêm vào đó, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ nhu cầu thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Theo Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc, tiêu dùng thép của quốc gia này kỳ vọng tăng thêm 40 triệu tấn, qua đó, nhu cầu thép Trung Quốc có thể tăng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm và tính chung cả năm thì tăng 2%. Trong nửa đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung quốc 1,06 triệu tấn thép, gấp gần 15 lần cùng kỳ năm trước và chiếm 27% giá trị xuất khẩu thép.