Giá xăng dầu thế giới tăng
Giá xăng dầu ngày 31/12, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 2,6% lên 80,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 3 tăng tới 3,04% lên 86 USD/thùng.
Bảng giá xăng dầu thế giới ngày 31/12/2022
Giá dầu dao động mạnh vào năm 2022, leo thang vì nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, sau đó trượt dốc do nhu cầu yếu hơn từ nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới - Trung Quốc và lo ngại về suy thoái kinh tế, nhưng đã kết thúc năm vào thứ Sáu (30/12) với mức tăng năm thứ hai liên tiếp.
Giá tăng vọt trong tháng 3 do cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy dòng chảy dầu thô toàn cầu, với dầu thô Brent đạt 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá hạ nhiệt nhanh chóng trong nửa cuối năm khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất và làm giảm lo ngại về suy thoái kinh tế.
Nhà phân tích Ewa Manthey của ING nhận định đây là một năm đặc biệt đối với thị trường hàng hóa, với những rủi ro về nguồn cung dẫn đến sự biến động gia tăng và giá cả tăng cao. “Năm tới sẽ là một năm không chắc chắn với nhiều biến động", bà Manthey nói thêm.
Chốt phiên giao dịch ngày 30/12, giá dầu thô Brent tăng gần 3% lên 85,91 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 2,4% lên 80,26 USD.
Xét trong năm nay, giá dầu Brent đã tăng khoảng 10%, sau khi tăng 50% vào năm 2021. Dầu thô của Mỹ tăng gần 7% trong năm 2022, sau mức tăng 55% của năm ngoái. Cả hai loại dầu đều giảm mạnh vào năm 2020 do đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Các nhà đầu tư vào năm 2023 dự kiến sẽ tiếp tục thận trọng, cảnh giác với việc tăng lãi suất và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Một cuộc khảo sát 30 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo giá Brent sẽ ở mức trung bình 89,37 USD/thùng vào năm 2023, thấp hơn khoảng 4,6% so với mức đồng thuận trong cuộc khảo sát hồi tháng 11.
Giá dầu thô của Mỹ được dự đoán ở mức trung bình 84,84 USD/thùng trong năm tới, giảm so với dự báo trước đó, theo Reuters.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), tuần qua, triển vọng tiêu thụ, vốn đang cải thiện gần đây nhờ kỳ vọng vào việc Trung Quốc mở cửa trở lại, đang bị lu mờ đi rất nhiều trước nguy cơ xuất hiện một đợt bùng phát dịch trên diện rộng.
Điều chỉnh và áp thuế bảo vệ môi trường xăng dầu mới từ 0 giờ ngày 1.1.2023
Bộ Tài chính vừa có công văn 14055 gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các cơ quan thuế, hải quan địa phương về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng chính thức từ ngày mai 1.1.2023.
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục thuế, cục hải quan các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt Nghị quyết số 30/2022. Chỉ đạo các đơn vị có liên quan đảm bảo hệ thống quản lý thuế, phần mềm ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế bảo vệ môi trường theo mức thuế quy định tại Nghị quyết 30/2022 để người nộp thuế kê khai thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được thuận lợi, đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các cục thuế, hải quan địa phương tuyên truyền, phổ biến việc triển khai thu thuế bảo vệ môi trường đến người dân kể từ ngày mai 1.1.2023.
Cũng trong ngày hôm nay 31.12, một số doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cho biết nhận được email của Bộ Công thương thông báo, cơ quan điều hành sẽ điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu tương ứng với mức điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường vào 0 giờ sáng 1.1.2023.
Trước đó, Nghị quyết 30/2022 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành ngày 30.12.2022 nêu rõ, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu nhờn, dầu mazut và mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 600 đồng/lít. Nghị quyết 30/2022 cũng thay thế cho Nghị quyết 20/2022 (6.7.2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trước đó.
Ở kỳ điều hành ngày 21/12, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Giá bán lẻ xăng dầu ngày 31/12/2022
Đơn vị: đồng