Tăng nhiều nhưng yếu
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có 600.000 doanh nghiệp với khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân. Trong số này có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa và hơn 96% doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn.
Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) do Vietnam Report công bố cho thấy, doanh nghiệp tư nhân tiếp tục tăng nhanh chiếm 72%, áp đảo so với mức 34,1% khối doanh nghiệp nhà nước và 28,2% doanh nghiệp FDI.
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép bình quân (CAGR) của khối tư nhân cao nhất là 35,7% so với 22,4% của khối doanh nghiệp nhà nước và 5,6% của khối doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, tăng nhanh nhưng sức cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân vẫn thấp.
"Dựa dẫm" vào chính sách
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: "Mấu chốt là thiếu một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chúng ta quá dựa vào chính sách hỗ trợ, ưu đãi chứ không phải dựa vào thị trường cạnh tranh mà không cạnh tranh thì không lớn lên được".
Với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, kinh tế tư nhân cần mở ra nhiều cơ hội, được cạnh tranh công bằng.
Do đó, văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.
Ảnh minh họa - Nguồn: Dantri.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM: "Chủ trương, đường lối chính sách của Đảng Đại hội XII xác định “lực lượng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế” và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa của đất nước và hội nhập.
Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị là làm cho dân giàu, nước mạnh. Chỉ có xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng mạnh thì đất nước mới phát triển nhanh. Đó là những cái mà chúng tôi hết sức mong muốn và thực hiện theo cơ chế thị trường, bình đẳng của doanh nghiệp.
Nói chung, là nhiều điểm tốt mà trách nhiệm chúng tôi phải đưa tinh thần này vào cuộc sống của cộng đồng doanh nghiệp".
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân tất yếu phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung cải cách thể chế kinh tế, thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn vay, thành lập doanh nghiệp…
Không có chính sách "từ thiện"
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ phải hướng đến doanh nghiệp tiềm năng, có năng lực cạnh tranh. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI): "Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp không phải là từ thiện.
Để xác định doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phải căn cứ vào đánh giá đối với chất lượng, hoạt động của chính doanh nghiệp, phải là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế, là doanh nghiệp được quản trị bài bản, có khả năng để hỗ trợ phát triển tốt hơn".
Chính doanh nghiệp tư nhân cũng cần tự nâng cấp và năng lực cạnh tranh để đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam có 36% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp) trong khi ở Thái Lan và Malaysia tỷ lệ này là 60%.
Chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia.
Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam ít có khả năng hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI thông qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất.