Chờ...

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm

VOH - Từ ngày 1-10/6, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 1-10/6, chiều sâu ranh mặn 4 phần nghìn có khả năng xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 40 - 50km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 30 - 35km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 30 - 35km; sông Hậu là 25 - 30km; sông Cái Lớn là 20 - 30km.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 1-2.

xâm nhập mặn
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm từ đầu tháng 6 - Ảnh: Chính phủ

Hiện tại đã bắt đầu bước vào mùa mưa lũ, tình hình xâm nhập mặn sẽ giảm và không ảnh hưởng nhiều đến người dân nơi đây.

Theo Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng Đông Nam Bộ có phần lớn diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực công trình thủy lợi (hơn 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp), đây là các khu vực không chủ động về nguồn nước và phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa mùa khô.

Vì vậy, trong vùng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ nếu nắng nóng kéo dài và không có mưa. Do vậy, các địa phương trong khu vực cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho cả vụ Hè Thu 2023, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.

Các địa phương cần tiếp tục tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

Xâm nhập mặn là quá trình thay thế nước ngọt trong các tầng chứa nước ở ven biển bằng nước mặn do sự dịch chuyển của khối nước mặn vào tầng nước ngọt, làm giảm nguồn nước ngọt dưới lòng đất ở các tầng chứa nước ven biển do cả hai quá trình tự nhiên và con người gây ra.

Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt của người dân.