Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bản tin bất động sản hôm nay 25/10: Yêu cầu báo cáo Thủ tướng việc chuyển nhượng đất ở Mạc Đĩnh Chi

 (VOH) - Bản tin bất động sản ngày 25/10 có những nội dung: Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Triển vọng bất động sản Hà Nội và TP. HCM cuối năm…

Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

Phó Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng vừa ban hành Kế hoạch lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, từ tháng 7 đến tháng 10/2019, Bộ KH&ĐT chủ trì cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan sẽ xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch; Hội đồng thẩm định sẽ tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vào tháng 11-12/2019; Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết quyết định nhiệm vụ lập quy hoạch vào tháng 12/2019 - 1/2020.

Sang đầu năm 2020, Bộ KH&ĐT trì cùng các bộ, ngành và địa phương liên quan lựa chọn tổ chức tư vấn lập Quy hoạch và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; lựa chọn tổ chức tư vấn lập Hợp phần quy hoạch. Việc tích hợp các hợp phần quy hoạch và Quy hoạch tổng thể quốc gia và hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng hợp dự kiến vào tháng 9 - 12/2020.

Hội đồng quy hoạch quốc gia sẽ trình Chính phủ thông qua nội dung Quy hoạch tổng thể quốc gia vào tháng 7 - 8/2021; Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua vào tháng 11/2021.

Triển vọng bất động sản Hà Nội và TPHCM cuối năm

Báo cáo của một số công ty nghiên cứu bất động sản cho thấy, giá bất động sản ở tại TP. HCM quý III/2019 cao hơn Hà Nội trên tất cả các phân khúc.

Theo Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), trong quý III/2019, lượng giao dịch căn hộ chung cư tại TP. HCM gia tăng, lượng bán đạt 17.248 căn đến từ 14 dự án. Các dự án phân khúc trung cấp với giá giao dịch từ 1.200 - 1.700 USD/m2 thu hút nhiều người mua nhất.

Báo cáo của JLL cho biết mức giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.067 USD/m2, tăng 23,8% theo năm. Phân khúc giá cao đạt ngưỡng giá mới, ở mức 5.320 USD/m2, tăng 64,9% theo năm.

Tại thị trường Hà Nội, nguồn cầu vượt cung trong quý III/2019. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế ở phân khúc cao cấp, có khoảng 6.400 căn hộ được chào bán trên thị trường, tăng 8,7% theo quý. Trong số đó, chỉ có 850 căn đến từ 4 dự án mới.

Mức giá sơ cấp toàn thị trường đạt 1.473 USD/m2, tăng 3,5% theo quý, trong khi giá bán tính trên mỗi dự án chỉ tăng nhẹ 0,8% so với quý trước.

Theo các sàn giao dịch điện tử, thị trường bất động sản TP. HCM có mức giá rao bán và tốc độ tăng giá cao hơn đáng kể so với thị trường Hà Nội.

Tại Hà Nội, giá rao bán quý III/2019 với diện tích 92 m2 trung bình 29 triệu đồng/m2 (TP. HCM diện tích 84 m2, giá 37 triệu đồng/m2), tốc độ tăng giá tại Hà Nội so với quý III/2018 là 3,9% (TP. HCM: 11,8%).

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy mặt bằng giá chung cư ở khu vực trung tâm và ngoài trung tâm TP. HCM đều cao hơn Hà Nội. Giá rao bán chung cư trung bình tại các quận trung tâm Hà Nội (Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình) lần lượt là 36, 45, 55 triệu đồng/m2.

Tại TPHCM, các quận trung tâm (Phú Nhuận, quận 10, quận 3) có mức giá cao hơn hẳn, lần lượt là 50, 55, 77 triệu đồng/m2.

Còn đối với nhà mặt phố và nhà riêng, tại Hà Nội, giá rao bán quý III/2019 là 103 triệu đồng/m2, tốc độ tăng giá so với quý III/2018 là 10%, trong khi TPHCM là 111 triệu đồng/m2, tốc độ tăng giá 26%.

Theo một số chuyên gia bất động sản, nhìn chung thị trường chung cư Hà Nội có giá rao bán và tốc độ tăng giá thấp hơn thị trường TP. HCM.

Sở dĩ thị trường bất động sản TPHCM hấp dẫn hơn Hà Nội là bởi hầu hết các công ty nước ngoài đến Việt Nam đều chọn thành phố này đặt văn phòng đại diện. Đồng thời, sản phẩm bất động sản tại cũng đa dạng về lựa chọn hơn.

Đánh giá về triển vọng thị trường TPHCM, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, các dự án bình dân và trung cấp sẽ tăng giá, trong khi dự án giá cao sẽ chứng kiến sự sụt giảm trong nguồn cầu, đặc biệt ở nhu cầu mua đầu tư. Lý do chính là hiệu suất cho thuê và triển vọng thu lợi nhuận chênh lệch bán kém hấp dẫn hơn trong tình hình giá bán đạt mức cao mới được ghi nhận.

Nhận định triển vọng thị trường Hà Nội cuối năm 2019, ông Quang cho rằng thị trường bất động sản vẫn đang diễn biến khá sôi động. Giá bán căn hộ được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng ổn định từ nay đến cuối năm.

Yêu cầu báo cáo Thủ tướng việc chuyển nhượng đất số 8A Mạc Đĩnh Chi, TPHCM

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra, rà soát việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng đất tại số 8A Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TPHCM trước ngày 15-11.

Trước đó, lô đất 8A Mạc Đĩnh Chi được Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ (thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường) tách từ khu đất số 8 Mạc Đĩnh Chi để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Đài này chỉ định Công ty CP bán đấu giá Lam Sơn thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất lô đất 8A Mạc Đĩnh Chi.

Tháng 7-2013, sau 88 vòng đấu giá, doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) trúng đấu giá lô đất với khoảng 238 tỉ đồng. Sau đó, doanh nghiệp này đề nghị bổ sung chức năng xây khách sạn tại lô đất 8A Mạc Đĩnh Chi.

Tháng 12-2013, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP HCM có văn bản báo cáo UBND TPHCM xem xét bổ sung chức năng xây dựng khách sạn tại lô đất này.

Và đến tháng 3-2014, ông Nguyễn Hữu Tín - khi đó đang là phó chủ tịch UBND TPHCM - ký văn bản điều chỉnh chức năng sử dụng đất số 8A Mạc Đĩnh Chi từ đất văn phòng thành đất xây khách sạn. Sau đó doanh nghiệp đã xây dựng khách sạn Mường Thanh tiêu chuẩn 4 sao như hiện nay.

Trong văn bản gửi tới Thanh tra Chính phủ hồi tháng 5-2019, Bộ Xây dựng khẳng định việc cung cấp thông tin chức năng sử dụng đất trước đấu giá là đất văn phòng, sau đấu giá chuyển thành đất xây khách sạn làm thay đổi giá trị khu đất trước và sau đấu giá. Việc TP HCM cho phép Tập đoàn Mường Thanh chuyển mục đích sử dụng đất là trái Luật Đất đai.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức cá nhân theo thẩm quyền, chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra việc tuân thủ xây dựng theo giấy phép được cấp.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo UBND TPHCM và các cơ quan có liên quan thu phần chênh lệch giá trị sử dụng đất khi chuyển từ đất văn phòng sang xây dựng khách sạn, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, đến ngày 17-10, Thanh tra Chính phủ chưa báo cáo, vì vậy phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra, rà soát việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất 8A Mạc Đĩnh Chi theo đúng quy định.

Đón loạt nhà đầu tư lớn đổ bộ, bất động sản Kon Tum tỉnh giấc

Thu hút 55 dự án được đầu tư với tổng số vốn hơn 24.141 tỷ đồng giai đoạn 2018 - 2020, trong đó có nhiều dự án lớn tập trung tại lĩnh vực dịch vụ - du lịch, cơ sở hạ tầng đô thị, bất động sản Kon Tum đang dần trở thành điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn tại khu vực Tây Nguyên.

Ngay từ cuối năm 2018, giới đầu tư bất động sản đã có xu hướng chuyển đến các thị trường vệ tinh do sự thiếu hụt quỹ đất tại các thành phố lớn. Đón đầu làn sóng dịch chuyển này, đồng thời thực hiện mục tiêu Quy hoạch xây dựng vùng đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, đưa Kon Tum đến năm 2035 trở thành vùng kinh tế động lực của Tây Nguyên, Kon Tum đã nhanh chóng cho thấy quyết tâm lớn trong thu hút đầu tư phát triển.

Một trong 3 lĩnh vực đột phá đã được Kon Tum xác định là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới kết hợp dịch vụ. Đồng thời, thành phố Kon Tum sẽ là đô thị trung tâm của vùng trong nhiều lĩnh vực.

Đến nay, Kon Tum đã thu hút 320 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 55 ngàn tỷ đồng. Năm 2018, thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch có số lượng tập trung nhiều nhất với 48 dự án. Tính chung giai đoạn 2018 - 2020, Kon Tum thu hút 55 dự án đầu tư trong lĩnh vực phát triển đô thị, văn phòng - thương mại - dịch vụ - du lịch với tổng số vốn đầu tư 24.141 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt dự án trong lĩnh vực đô thị - thương mại - du lịch đã và đang được triển khai như tổ hợp Trung tâm thương mại - Shophouse Vincom Kon Tum; Khu đô thị Hoàng Thành Kon Tum; Tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị Măng Đen…

Trong đó, khu đô thị FLC Legacy Kontum do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, vừa được khởi công tháng 8/2019 vừa qua với tổng vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng được xem là điểm nhấn nổi bật cho thị trường BĐS cũng như diện mạo đô thị Kon Tum nửa cuối 2019.

Theo nhiều nhà đầu tư BĐS, tiềm năng của thị trường Kon Tum vẫn còn rất dồi dào. Giá đất hiện nay tăng là do nhu cầu thực của người dân cũng như tăng giá trị sử dụng, đặc biệt là đất nằm trong vùng dự án được đầu tư bởi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Ngoài ra, với mục tiêu đưa Kon Tum trở thành đô thị loại II sau 2020 và quy hoạch sân bay Kon Tum trở thành sân bay dân dụng 3C phục vụ các tuyến bay nội địa tầm trung thì thị trường BĐS tại đây vẫn còn nhiều dư địa sinh lời cho nhà đầu tư.

Bắc Ninh sắp xây 'siêu' dự án đô thị với quy mô gần 1.700ha

Theo Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 vừa được phê duyệt, "siêu" đô thị này nằm trên địa bàn các xã Tương Giang, Tam Sơn - thị xã Từ Sơn và thị trấn Lim, xã Nội Duệ, xã Phú Lâm - huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh). Dự kiến khu đô thị có diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng gần 1.700ha, quy mô dân số khoảng 80.000.

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, du lịch, sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Theo phê duyệt, ranh giới lập đồ án quy hoạch thuộc địa bàn các xã Tương Giang, xã Tam Sơn - thị xã Từ Sơn và thị trấn Lim, xã Nội Duệ, xã Phú Lâm - huyện Tiên Du. Dự án có phía bắc giáp kênh Ngũ Huyện Khê; phía đông bắc giáp phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh; phía đông nam giáp đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn.

Dự kiến “siêu” đô thị có diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 1.687,35ha, trong đó diện tích đất quy hoạch khu đô thị khoảng 1.477,28ha. Quy mô dân số khoảng 80.000 người.

Khu đô thị chia thành 7 phân khu, được quy hoạch với các khu chức năng chính sau: Khu trung tâm đô thị đa chức năng, quảng trường lớn; Khu công viên, khu vui chơi giải trí (công viên chuyên đề); Khu thể thao ngoài trời; Khu công viên thiên nhiên, văn hóa, biểu tượng, đặc trưng Việt Nam; Khu công cộng, thương mại, dịch vụ; Khu nhà ở (biệt thự, liên kế, chung cư); Khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái; Khu nông nghiệp làng nghề; Khu đất hạ tầng kỹ thuật; Khu vực chỉnh trang, cải tạo các khu làng hiện hữu.

Khánh Hoà yêu cầu xử lý việc Dự án Chung cư Napoleon Castle 1 chưa nghiệm thu đã bàn giao và bán cho người nước ngoài

Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Ban Nội chính, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Thành ủy Nha Trang yêu cầu chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề tại dự án Chung cư Napoleon Castle 1 (25-26 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Nha Trang) do Công ty TNHH Cat Tiger Khareal làm chủ đầu tư.

Trước đó, ngày 16/10, Thanh tra Sở Xây dựng đã có quyết định xử phạt Công ty TNHH Cat Tiger Khareal 55 triệu đồng vì đưa công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định đối với dự án Chung cư Napoleon Castle 1. Thanh tra Sở Xây dựng cho biết mặc dù chưa hoàn thiện công trình, chưa được các cơ quan chức năng nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu hoàn thành công trình, nhưng chủ đầu tư đã lập biên bản bàn giao nhà cho 200 khách hàng để thi công hoàn thiện nội thất.

TPHCM: Xây dựng các hình thức chế tài xử lý vi phạm trật tự xây dựng

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) phức tạp trên địa bàn, UBND TPHCM đã yêu cầu các sở ngành, quận/huyện đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về TTXD trên địa bàn thành phố, tạo hiệu ứng tích cực có tính lan tỏa.

Theo đó, UBND các quận/huyện được giao rà soát, tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm có tính chất/quy mô lớn, nghiêm trọng trên địa bàn. UBND TP cũng sẽ tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm nghiêm trọng tại quận 5 và quận Thủ Đức hoặc một số công trình trọng điểm tại các quận/huyện khác cần sớm xử lý.

Dự án 5 sao giá 3.000 USD/m2 liên tục bị UBND TPHCM cưỡng chế

Dự án Dragon Riverside City từng bị UBND TPHCM xử phạt do xây dựng không phép nhưng chủ đầu tư chưa khắc phục vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu. TP cho biết có thể cưỡng chế.

UBND TPHCM vừa ra quyết định yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ 35.000 m2 xây dựng không phép tại dự án Khu phức hợp Dragon Riverside City, số 628-630 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5.

Dự án do Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina làm chủ đầu tư, phối hợp với Bất động sản Phú Long phát triển. Dự án được khởi công từ tháng 8/2017, đã bị ngừng thi công nhiều tháng nay.

Quyết định cũng yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn tất tháo dỡ trong tháng 10. Dự án bất động sản này sẽ bị phong tỏa về mặt pháp lý cho đến khi khắc phục xong vi phạm. Tổng diện tích xây dựng không phép của dự án này đã được thi công tại góc đường Nguyễn Biểu, giáp khu dân cư đông đúc.

Hà Nội xử lý 77 vụ tranh chấp chung cư

Thời gian qua, công tác quản lý nhà chung cư của thành phố đã có nhiều tiến bộ, song vẫn đang bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Có thể kể ra như việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa nghiêm túc, công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, việc bầu và công nhận ban quản trị còn chưa được đôn đốc kịp thời.

Các tranh chấp sở hữu chung – riêng, khiếu kiện trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư còn khá phổ biến; khâu hậu kiểm của các cơ quan nhà nước trước khi đưa cư dân vào ở chưa được thực hiện nghiêm…

Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra về công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư. Trong 9 tháng, đoàn đã tổ chức kiểm tra được 14/18 quận, huyện có nhà chung cư.

Qua kiểm tra tại 77 tòa nhà chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp, đoàn công tác đã lập hồ sơ xử phạt nhiều vi phạm hành chính, trong đó xử phạt 14 chủ đầu tư với số tiền 985 triệu đồng.

Đối với quỹ bảo trì, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham mưu thành phố ra văn bản yêu cầu 20 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị, đồng thời ban hành 2 quyết định cưỡng chế kinh phí bảo trì đối với 2 chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 và công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long

Sở Xây dựng cũng dã có thông báo công khai danh sách 13 chung cư đề nghị ban hành văn bản yêu cầu bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư cho Ban quản trị.

Thu hồi quyết định giao đất dự án ở đầm Thị Nại

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 3649/QĐ-UBND để thu hồi Quyết định số 4429/QĐ-UBND ngày 14-12-2018 của tỉnh này về việc cho thuê đất, giao đất cho Công ty CP Thị Nại Eco Bay thực hiện dự án khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại (tại hai phường Đống Đa và Nhơn Bình, TP Quy Nhơn).

Lý do thu hồi quyết định là để thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/500 công trình khu du lịch sinh thái biệt thự đầm Thị Nại theo quy định.

Theo đó, diện tích đất trước đây của Công ty Thị Nại Eco Bay đăng ký bao gồm cả phần diện tích mặt nước, vùng đất liền kề mặt nước nên không phù hợp. Vì vậy, tỉnh thu hồi quyết định để giao lại cụ thể hơn từng phần diện tích mặt đất, mặt nước doanh nghiệp được làm gì. Mục đích thu hồi quyết định để điều chỉnh lại phần diện tích đất đã cho thuê. Việc điều chỉnh này không có ảnh hưởng nhiều đến dự án.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT thông báo cho Công ty Thị Nại Eco Bay nộp lại toàn bộ giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định.

Hà Nội sắp có tuyến đường rộng 50 m thuộc vành đai khu công nghệ cao Hòa Lạc

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt chỉ giới tuyến đường vành đai khu công nghệ cao Hòa Lạc, tuyến số 2 đi qua địa bàn huyện Quốc Oai.

Tuyến đường có điểm đầu tại nút giao với QL21 thuộc địa bàn xã Hòa Thạch. Điểm cuối (điểm 5) nối tiếp với đoạn tuyến được được xây dựng thuộc địa bàn xã Phú Cát. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 3,5km thuộc địa phận các xã Hòa Thạch, Phú Cát, huyện Quốc Oai.

Theo phê duyệt, đây là đường chính đô thị, quy mô mặt cặt ngang rộng 50 m, gồm hai lòng đường xe chạy 2x11,25m, dải phân cách giữa rộng 3,5m, hè đường hai bên rộng 2x12 m.

"Để xây dựng tuyến đường, UBND TP. Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác nhận hồ sơ chỉ giới đường đỏ phù hợp; Đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu trình duyệt. Huyện Quốc Oai được giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công khai hồ sơ chỉ giới đường đỏ được phê duyệt để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết thực hiện", UBND thành phố yêu cầu.

Metro số 2 được thẩm định tăng vốn lên hơn 48.000 tỷ đồng

Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, dự án metro số 2 đoạn Bến Thành – Tham Lương đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định tăng vốn từ 26.000 tỉ đồng lên thành 48.771 tỉ đồng.

Được biết, dự án metro số 2 có chiều dài khoảng 48 km, gồm 42 nhà ga được chia làm 3 giai đoạn: Bến Thành - Tham Lương có 11 nhà ga; Bến Thành - Thủ Thiêm có 7 nhà ga và Tham Lương - Củ Chi có 24 nhà ga. Vận tốc tàu: 110 km/giờ ở phần trên cao và 80 km/giờ ở phần ngầm.

Trong đó, đoạn Bến Thành – Tham Lương có tổng mức đầu tư ban đầu là 26.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2014 và hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, tháng 10/2018, Ban quản lý dự án đã phải kiến nghị lùi thời hạn thực hiện dự án đến ngày 13/12/2020. Số vốn đầu tư của dự án cũng tăng gần gấp đôi.

Nguyên nhân của việc tăng vốn được cho là do trượt giá bởi tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt để thực hiện là từ năm 2010 - 2014. Trong khi hiện nay việc thực hiện thiết kế ban đầu đã có nhiều thay đổi và tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế.

Bản tin bất động sản hôm nay 24/10: Dự án đất vàng khu tứ giác Bến Thành đổi chủ - Bản tin bất động sản ngày 24/10 có những nội dung: TPHCM thu hồi đất sử dụng sai mục đích; Chuyên gia tiết lộ 2 thị trường BĐS hấp dẫn hàng đầu Việt Nam hiện nay…
Những yếu tố cần cân nhắc trước khi rót tiền vào second home - Vị trí, mức giá, pháp lý và uy tín chủ đầu tư quyết định tính an toàn và khả năng sinh lợi khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.
Bình luận