Dự Lễ công bố Quy hoạch tỉnh có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo một số tỉnh thành trong khu vực. Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh; cùng hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, thuộc các ngành nghề lĩnh vực quan tâm đầu tư vào các tiềm năng của tỉnh Bình Thuận.
Với chủ đề “Bình Thuận - Nơi đáng sống - Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư”, Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024 còn là cơ hội giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của Bình Thuận. Tại đây, các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp góp ý, hiến kế để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Thuận phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg, ngày 7/12/2023. Theo đó, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm Năng lượng xanh của cả nước; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia.
Bình Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,5 - 8%, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 11 - 12%/năm (Công nghiệp tăng 12 - 13%/năm, xây dựng tăng 10 - 11%/năm); dịch vụ tăng 7 - 7,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm. Về xã hội, Bình Thuận phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7-3,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4-0,6%/năm (theo chuẩn nghèo từng thời kỳ). Về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, duy trì tỷ lệ 100% dân số được cấp đủ nước cho nhu cầu sinh hoạt; đảm bảo năng lực cung cấp nước không thấp hơn 95% tổng nhu cầu nước cho các ngành kinh tế - xã hội khác.
Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao so với vùng và cả nước. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.
Trong khuôn khổ Lễ công bố, UBND tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực: Bất động sản, hạ tầng khu cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, năng lượng, khoáng sản….