Đăng nhập

Ngộ nhận là gì và nguy hại như thế nào?

VOH - Ngộ nhận về bản thân hay một người, một sự vật, hiện tượng… nào đó đều có thể dẫn đến những tác hại không thể xem thường. Cụ thể, ngộ nhận là gì?

Ngộ nhận là gì mà khiến con người rời xa hiện thực, đắm chìm vào thế giới của riêng mình? Để hiểu rõ hơn, VOH Thường thức sẽ cùng bạn định nghĩa cũng như liệt kê những biểu hiện, tác hại của “căn bệnh” này.

Ngộ nhận là gì?

Ngộ nhận là việc hiểu sai, nhận thức sai về một người, vấn đề, hiện tượng, sự vật…. Điều này sẽ dẫn đến những đánh giá sai lầm.

Người ngộ nhận có thể đưa ra đánh giá quá cao hoặc quá thấp. Nhưng thông thường việc đánh giá quá cao xảy ra phổ biến hơn. Vì đây chính là đặc trưng của sự ngộ nhận.

Ngộ nhận là gì và nguy hại như thế nào? 1Xem toàn màn hình
Định nghĩa ngắn gọn về ngộ nhận - Ảnh: Canva

Hiện nay, ngộ nhận là một vấn đề khá phổ biến, có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Tình trạng này có nhiều mức độ và diễn biến cũng khác nhau tùy vào từng đối tượng.

Ngộ nhận được xem là một biểu hiện của sống ảo - lối sống xa rời thực tế. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng có thể coi nó là một căn bệnh tự kỷ ám thị (tự tâm niệm, tự thôi miên), huyễn hoặc bản thân.

Những biểu hiện của ngộ nhận

Bạn hoặc những người xung quanh có phải là người ngộ nhận không? Hãy tự checklist những dấu hiệu sau để trả lời câu hỏi này.

  • Đứng trước một sự việc, hiện tượng… thay vì nhìn nhận, phân tích một cách toàn diện, sâu sắc, người ngộ nhận thường xem xét, đánh giá mọi thứ khá vội vàng, lệch lạc…
  • Không chỉ nhận thức, đánh giá sai, người ngộ nhận còn có xu hướng tự cho rằng bản thân đúng, chỉ quan tâm đến bản thân. Họ không chịu học hỏi, tiếp thu ý kiến của người khác, đôi khi tìm mọi cách khiến người khác phải công nhận nhận thức, đánh giá của mình.
  • Không có khả năng hoặc không chịu nhận thức thực tế, sự thật. Có xu hướng đổ lỗi, tìm mọi lý do dể ngụy biện.

Sự nguy hại của việc ngộ nhận

Việc hiểu sai, nhận thức sai dẫn đến đánh giá sai, hành xử sai lệch. Hơn cả, vấn đề này không chỉ xảy ra với chính người ngộ nhận mà còn ảnh hưởng đến người khác.

Trong công việc, kiểu người này khó nhận được sự tin tưởng, trọng dụng, dễ đánh mất cơ hội phát triển, thăng tiến. Vì ngoài vấn đề nhận thức, họ thường không chịu học hỏi, lắng nghe, cải thiện bản thân, khó hợp tác với người khác.

Trong đời sống tinh thần, sự ngộ nhận có thể gây ra căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến việc tạo dựng, duy trì các mối qua hệ. Đôi khi, tình trạng này còn khiến bạn dễ bị tổn thương, lợi dụng trong chuyện tình cảm.

Ngộ nhận là gì và nguy hại như thế nào? 2
Thiếu hiểu biết, kém thông minh là một trong những yếu tố khiến con người dễ bị ngộ nhận - Ảnh: Internet

Tại sao con người “mắc bệnh” ngộ nhận?

Tri thức, trí tuệ

Trí tuệ, tri thức hạn hẹp là một trong những lý do khiến con người nhận thức và đánh giá sai về bản thân cũng như thế giới xung quanh.

Cái tâm

Thiếu đi sự chân thành, công bằng, khách quan, con mắt nhìn nhận của con người sẽ không còn chính xác, sâu sắc, toàn diện. Nói cách khác, sự cảm tính, thiên vị hay định kiến dễ khiến con người sa vào sự ngộ nhận.

Bảo thủ, chủ quan, trì trệ

Không thích được góp ý, bị phê bình, luôn cho rằng bản thân đúng, đây là một trong những lý do khiến nhiều người “mắc bệnh” ngộ nhận.

Ngộ nhận về bản thân

Từ xưa đến nay, khi nhắc đến ngộ nhận, người ta thường đề cập tới ngộ nhận về bản thân. Nó được hiểu là việc hiểu lầm, nhận thức không đúng về khả năng, giá trị hay tình cảm của chính mình.

Người ngộ nhận về bản thân có thể được chia thành hai kiểu. Hoặc là tự ti - đánh giá thấp bản thân hoặc là quá kiêu ngạo - ảo tưởng về mình. Chiều hướng nào cũng dễ gây nên những hậu quả tiêu cực.

Do đó, để tránh ngộ nhận về bản thân, chúng ta cần biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình. Học cách lắng nghe, cố gắng trau dồi, nhìn nhận bản thân một cách khách quan, toàn diện và tích cực.

Ngộ nhận là gì và nguy hại như thế nào? 3
Sự ngộ nhận trong tình yêu có thể khiến chúng ta bị tổn thương, mất niềm tin - Ảnh: Vecteezy

Ngộ nhận trong tình yêu

Từ định nghĩa ngộ nhận, chúng ta có thể lý giải ngộ nhận trong tình yêu là hiểu sai, suy diễn về tình cảm của người khác dành cho mình hoặc của mình dành cho người khác.

Ví dụ, bạn coi sự quan tâm, chăm sóc của một ai đó là cách mà họ bày tỏ tình cảm. Tuy nhiên, với đối phương đó chỉ là hành động xuất phát từ sự quý mến đơn thuần, là cách cư xử bình thường giữa những người bạn.

Hay bạn nghĩ rằng mình yêu đối phương nhưng thực chất đó chỉ là sự ái mộ, kính phục hay một biểu hiện của việc ngại cô đơn… Nói chung, ngộ nhận trong tình yêu không hiếm gặp và có thể để lại nhiều hậu quả tiêu cực. Điển hình là thất vọng, tổn thương, mất niềm tin, bỏ lỡ cơ hội tìm được người phù hợp hay gặp phải những mâu thuẫn, khủng hoảng…

Để tránh ngộ nhận về tình yêu, chúng ta nên học cách quan sát, lắng nghe, hiểu, tôn trọng cảm xúc của bản thân cũng như đối phương. Hãy giữ cho mình sự tỉnh táo, khách quan, chân thành đồng thời chọn cách giao tiếp thẳng thắn khi cần thiết.

Một vài ngộ nhận phổ biến về tình yêu mà có thể bạn đã bắt gặp:

  • Tình yêu vĩnh cửu: thực tế là để tồn tại, tình yêu cần sự cố gắng vun đắp từ cả hai phía.
  • Có thể thay đổi đối phương: tình yêu có thể ảnh hưởng đến tính cách, thói quen, thái độ… nhưng không thể thay đổi chúng.
  • Ghen tuông nghĩa là yêu và quan tâm: sự thật nó được xem là biểu hiện của việc không tự tin vào bản thân và mối quan hệ của hai người.

Ngộ nhận nguy hại với cả người mắc phải lẫn những người xung quanh hay rộng hơn là xã hội. Nó không chỉ đơn giản là việc hiểu sai, nhận thức sai mà còn có thể dẫn đến hành xử sai lạc, cản trở sự phát triển của cá nhân, cộng đồng.

Với những thông tin mà VOH Thường thức tổng hợp, hy vọng bạn đã hiểu thêm về khái niệm này.

Bình luận