Theo quyết định này, việc quản lý, sử dụng nhà biệt thự phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc, pháp luật về nhà ở, đất đai, xây dựng, pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc phân loại thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở năm 2023.
Đối với những khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì khi lập quy hoạch phải đưa các nhà biệt thự nhóm 1, nhóm 2 vào quy hoạch để quản lý.
Khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng mà có nhà biệt thự nhóm 1, nhóm 2 thì phải bổ sung các nhà biệt thự đó vào quy hoạch để quản lý.
Đối với nhà biệt thự thuộc tài sản công, ngoài thực hiện theo quy định này thì được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công.
Nhà biệt thự là nhà công vụ, ngoài thực hiện theo quy định này thì được quản lý, sử dụng theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý nhà ở công vụ.

Việc bảo trì nhà biệt thự được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quản lý quy hoạch, kiến trúc, pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đối với nhà biệt thự gắn liền với di tích lịch sử - văn hoá thì việc bảo trì phải tuân thủ các quy định về sửa chữa, tu bổ, bảo quản và phục hồi di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Nhà biệt thự nhóm 1 phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài, bao gồm cả hình dáng kiến trúc; cấu trúc bên trong; mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao. Quản lý, sử dụng nhà biệt thự nhóm 2 phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.
Về cải tạo, nhà biệt thự nhóm một thuộc diện hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan chuyên môn về xây dựng, kiến trúc và văn hóa phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện (nơi có nhà biệt thự) thực hiện khảo sát kiểm đếm, lưu trữ vật liệu gốc, hình ảnh nội thất, ngoại thất của công trình để làm cơ sở xem xét hướng dẫn cải tạo sửa chữa hoặc cấp giấy phép khi xây dựng lại; việc xây dựng bổ sung trong khuôn viên công trình kiến trúc có giá trị được thực hiện theo quy chế quản lý kiến trúc do UBND thành phố ban hành.
Nếu sử dụng màu sắc, chất liệu khác biệt hoặc thay đổi công năng nhà biệt thự thì phải được UBND thành phố chấp thuận sau khi có ý kiến góp ý của cơ quan chuyên môn về xây dựng, kiến trúc và văn hóa.
Đối với nhà biệt thự nhóm hai: Trường hợp thuộc diện hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan chuyên môn về xây dựng, kiến trúc và văn hóa phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện (nơi có nhà biệt thự) thực hiện khảo sát kiểm đếm, lưu trữ vật liệu gốc, hình ảnh nội thất, ngoại thất của công trình để làm cơ sở xem xét hướng dẫn cải tạo sửa chữa hoặc cấp giấy phép khi xây dựng lại; việc xây dựng mới, xây dựng bổ sung trong khuôn viên công trình kiến trúc có giá trị được thực hiện theo Quy chế quản lý kiến trúc do UBND thành phố ban hành.