Tại phường Thạnh Lộc (Quận 12) xuất hiện một số bãi rác tự phát, khiến người dân rất bức xúc khi ‘tự nhiên’ có bãi rác gần nhà mình, bốc mùi hôi thối vô cùng khó chịu.
Ông N.V.Thanh, phường Thạnh Lộc chia sẻ: “Một số người hay đổ trộm rác lúc khuya, cỡ 1-2 giờ sáng. Chú canh bắt mấy lần nhưng mà bắt xong thì người khác nó lại đến đây đổ tiếp”.
Chú Thanh cho biết: “Chú và người dân ở đây vừa dọn dẹp đống rác này xong là qua ngày hôm sau xuất hiện thêm. Rác chủ yếu là gối, nệm, chăn ga, cả bàn ghế hỏng rất cồng kềnh. Nhiều nhà gần đó đã phản ánh nhưng vẫn chưa giải quyết được”.






Rác cồng kềnh được định nghĩa là vật dụng gia đình thải bỏ kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hay gốc cây, thân cây, cành cây.
Tháng 6/2024, TPHCM ban hành quyết định về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác cồng kềnh và gắn trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị cụ thể. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày mai 6/7.
Theo quyết định mới, chủ nguồn thải, hộ gia đình, cá nhân được chuyển giao rác cồng kềnh cho các cá nhân, tổ chức để tái sử dụng.
Thành phố khuyến khích chủ nguồn thải, hộ gia đình, cá nhân ưu tiên tái chế trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.
Chủ nguồn thải, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tháo dỡ, thu gọn, giảm kích thước, thể tích rác cồng kềnh.
Trường hợp không thể tự tháo rã, giảm kích thước tại nơi phát sinh thì phải thanh toán chi phí này theo thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển.
Giá thu gom chất rác cồng kềnh từ nơi phát sinh đến các điểm tập kết và trạm trung chuyển được thỏa thuận giữa cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải với đơn vị chế, đơn vị thu gom.
TPHCM nghiêm cấm việc tự ý đổ thải rác cồng kềnh xuống sông, kênh, rạch, ao, hồ, mương, suối và các địa điểm khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.