Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM VOH tổ chức tọa đàm “TPHCM thúc đẩy hành trình trưởng thành số”, với các vị khách mời:
- Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM;
- Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội tin học TPHCM;
- Ths Vũ Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn tái cấu trúc chuyển đổi số Dr SME, Quản Lý Trưởng nền tảng đổi mới sáng tạo mở Antsomi Việt Nam;
- Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - Hội truyền thông số (IPS);
- TS Ngô Tấn Vũ Khanh, Tổng giám đốc Kaspersky lab Việt Nam, kiêm Giám đốc chương trình đào tạo cao học an toàn thông tin của Trường ĐH UEH;
- Bà Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội TPHCM.
Host Toạ đàm: Nhà báo Phi Yến.

Khai phá dữ liệu số - nâng chất chính quyền số, xã hội số
Từ năm 2018, khi xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử, TPHCM đã xác định: “Tận dụng và khai thác triệt để kho dữ liệu dùng chung” là nhiệm vụ trọng tâm và là giải pháp xuyên suốt trong lộ trình tăng tốc, rút ngắn khoảng cách trong việc đồng bộ hệ thống quản trị và điều hành chính quyền điện tử dựa trên các ứng dụng nền tảng của công nghệ thông tin, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ở thời đại chuyển đổi số.
*Host: Năm 2023 những kết quả nổi bật trong chuyển đổi số của TPHCM, đặc biệt trong khu vực hành chính công ra sao?
Bà Võ Thị Trung Trinh: Năm 2023, TPHCM triển khai theo 2 hướng: Tăng cường cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trên môi trường số; đưa các hoạt động tương tác, tham mưu của cán bộ, công chức thành phố lên môi trường số.
UBND TP công bố 750 dịch vụ công trực tuyến trên "Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chánh", qua đó, cập nhật kết quả của 1.590 thủ tục hành chánh.
Với "Hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số", lãnh đạo thành phố sử dụng các báo biểu, thông tin, các chỉ số để đánh giá được tình hình triển khai các chỉ tiêu về kinh tế xã hội cũng như vấn đề triển khai một số nội dung quan trọng của thành phố.
Thành phố đã nâng cấp tổng đài tiếp nhận, giải đáp thông tin của người dân và doanh nghiệp thông qua một đầu số 1022.
Ngoài ra còn có Hệ thống đánh giá về mức độ chuyển đổi số của các quận, huyện, sở ngành và Hệ thống bản đồ số của thành phố. Đây là những ứng dụng quan trọng cho mô hình đô thị thông minh trong giai đoạn tới.
Ông Vũ Anh Tuấn: "Bản đồ số" là bước tiến quan trọng, tập hợp tất cả ứng dụng, thông tin được kết nối, đồng bộ hóa với Sở, ngành, quận huyện vào 1 nền tảng. Bản đồ số rất tiện lợi, người dân không phải đi tìm từng ứng dụng của từng đơn vi sở ngành.
Không chỉ cơ quan chính quyền mà các doanh nghiệp có thể sử dụng nền tảng bản đồ số này để đưa thông tin của mình lên. Như vậy, người dân thụ hưởng sự phát triển của công nghệ với sự nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp trong thời gian qua.
*Host: Để chuyển đổi số thành công hơn nữa chúng ta cần làm gì về cơ sở dữ liệu?
Ông Vũ Anh Tuấn: Bản thân dữ liệu nếu để riêng ra thì sẽ không tạo nên được giá trị. Làm thế nào để dữ liệu và các hoạt động chuyển đổi số giải quyết được các bài toán gấp rút của chúng ta, ví dụ như Nghị quyết 98.
Lãnh đạo TPHCM rất quan tâm và mong muốn thành phố trở thành trung tâm hàng đầu về tài chính thì chiến lược khai thác dữ liệu sẽ phải đi song hành với cả mục tiêu đấy.
Việc đầu tiên là vận hành để kiến tạo dữ liệu, tức là tất cả các Sở, ban, ngành phải tạo ra một lượng dữ liệu, thực thi dựa trên dữ liệu, ra quyết định dựa trên dữ liệu. Tiếp đến là lập kế hoạch, quy hoạch và cuối cùng là các giá trị mới từ dữ liệu, tức là sau khi có dữ liệu thì chúng ta sẽ có đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra những giá trị mới về dữ liệu.
Bà Võ Thị Trung Trinh: TPHCM xác định rất rõ 3 cơ sở dữ liệu: Dữ liệu liên quan đến lĩnh vực quản lý đô thị, tập trung vào nhóm dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch và giao thông.
Thứ hai là dữ liệu liên quan đến người dân, tập trung vào các lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội liên quan đến giáo dục, y tế là những lĩnh vực rất thiết thực để mà phục vụ cho người dân ở đô thị lớn như TPHCM
Nhóm dữ liệu thứ ba liên quan đến hoạt động kinh tế của thành phố, hoạt động doanh nghiệp, hoạt động giải ngân đầu tư công.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều thách thức
Theo Cty Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam, năm 2023 ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng vào các tổ chức tại VN, tăng 9,5% so với năm 2022. Các mục tiêu chịu nhiều cuộc tấn công nhất là các cơ quan chính phủ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, hệ thống công nghiệp và các hệ thống trọng yếu khác.
*Host: Bảo vệ dữ liệu là việc quan trọng khi chuyển đổi số, chúng ta đã có những chính sách cụ thể nào cho vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân?
Ông Nguyễn Quang Đồng: Hiện tại chúng ta đã có hành lang pháp lý là Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, hiểu được các quy định, thực thi pháp luật và quan trọng hơn khi xảy ra các vi phạm, để điều tra và xử phạt được các bên vi phạm cũng là một thách thức lớn.
Nền kinh tế Việt Nam có đến 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực về mặt kỹ thuật còn hạn chế nên sẽ rất khó khăn bảo vệ dữ liệu. Dữ liệu hiện tại được xử lý trên môi trường điện toán đám mây là chính, hầu như được lưu ở các trung tâm dữ liệu nước ngoài.
Thế nên vận chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới là hiện tượng phổ biến hàng ngày. Làm thế nào để đánh giá được tác động của truyền dữ liệu qua biên giới, bảo vệ dữ liệu cá nhân qua biên giới là thách thức lớn.

Tiến sĩ Ngô Tấn Vũ Khanh: Hiện tại, Việt Nam cũng như thế giới rất nhức nhối trong vấn đề phòng chống thu thập dữ liệu. Phần lớn dữ liệu của thế giới đang được đẩy lên các điện toán đám mây xuyên biên giới như Microsolf, Amazon, Google, Alibaba… các trung tâm dữ liệu này rất lớn và đặt hầu hết ở nước ngoài, đây là thách thức.
Đối với những công ty an ninh mạng, giải pháp về bảo vệ dữ liệu hay mã hóa dữ liệu là một bộ giải pháp chứ không phải là một phần mềm nữa. Có nghĩa nó rất phức tạp chứ không hề dễ triển khai.
Ông Nguyễn Quang Đồng: Thông thường nói đến lộ, lọt dữ liệu chúng ta hay nghĩ đến khối doanh nghiệp. Nhưng thực chất khu vực công, tức là các cơ quan nhà nước mới là bên nắm một khối lượng dữ liệu khổng lồ của người dân. Cơ sở dữ liệu dân cư của Việt Nam chẳng hạn, chúng ta có dữ liệu hơn một trăm triệu dân với hơn 10 trường thông tin cơ bản của mỗi người dân.
Chúng tôi đánh giá nhận thức cũng như năng lực công nghệ để bảo vệ dữ liệu của khu vực công thậm chí còn hạn chế hơn so với các doanh nghiệp tư trong những lĩnh vực như là ngân hàng, tài chính hay là một số những lĩnh vực có dữ liệu nhạy cảm. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân không phải chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp hoặc là chủ thể tư nhân mà còn cả đối tượng là các cơ quan nhà nước.
Bà Võ Thị Trung Trinh: Tôi rất đồng tình ý kiến của ông Đồng. Khi chúng ta thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang môi trường số, người dân sẽ tương tác rất nhiều với các hệ thống của chính quyền. Nếu như chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu để triển khai, sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của người dân, của tổ chức.
Khi chúng tôi phát triển những ứng dụng liên quan đến các dịch vụ tương tác với người dân và doanh nghiệp là phải tính đến vấn đề làm sao bảo vệ được dữ liệu của cá nhân và tổ chức đó. Rất nhiều giải pháp kỹ thuật được áp dụng từ các ứng dụng, trang thiết bị đến quy trình và con người. Đó là những cái giải pháp quan trọng.
Chúng ta phải đảm bảo về an toàn thông tin, thường xuyên có những giải pháp để hạn chế tối đa việc thất thoát dữ liệu khi người dân thực hiện các giao dịch công với chính quyền.
Bảo vệ chủ quyền số trước tội phạm công nghệ cao
Thế giới đang đứng trước cuộc đại chuyển đổi số. Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề quan trọng. Với Việt Nam, dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên được khai thác, quản trị và bảo vệ cấp bách.
*Host: Đâu là những giải pháp để hạn chế tốt nhất vấn đề tấn công mạng?
TS Ngô Tấn Vũ Khanh: Cách tốt nhất vẫn xuất phát từ con người. Con người là chìa khóa và cũng là yếu tố quan trọng nhất trong mắc xích an toàn thông tin. Kế đến là quy trình nghiệp vụ trong tổ chức hay là cơ quan nhà nước, rồi mới đến giải pháp an toàn thông tin.
Một trong giải pháp an toàn thông tin tốt nhất là thực thi mã hóa dữ liệu trong quá trình truyền dữ liệu, hoặc là tuân thủ theo những quy trình, tiêu chuẩn về bảo vệ dữ liệu.
Ông Nguyễn Quang Đồng: Nhiều quốc gia đặt ra các thể chế, các cơ quan - thường là cơ quan dân sự để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ở Việt Nam có Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an).
Tôi cho rằng nên tăng thêm các cơ chế về mặt thẩm quyền, năng lực kỹ thuật cũng như nguồn lực để giúp cơ quan này có thể là đảm đương được chức năng là một cơ quan quốc gia đầu mối về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiệu quả
*Host: TPHCM đã có giải pháp cụ thể nào cho vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân?
Bà Võ Thị Trung Trinh: Bên cạnh những giải pháp về kỹ thuật, quy trình, chúng tôi chú trọng vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, khi tương tác với hệ thống thông tin của chính quyền phải tuân thủ những quy định, có trách nhiệm khi tiếp cận dữ liệu của người dân và doanh nghiệp.
TPHCM muốn phát triển chính quyền số, xã hội số thì khái niệm công dân số là yếu tố rất quan trọng. Chúng ta phải chú trọng đến tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình. Phải có những kỹ năng trong chiến lược quản trị dữ liệu của thành phố, hướng tới đảm bảo an toàn thông tin, trong đó nhấn mạnh yếu tố con người.

Để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình số hóa
Công dân số là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kỷ nguyên số. Đô thị số chỉ có thể được vận hành bởi các công dân số, đó chính là những người có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội, từ cấp địa phương cho đến cấp quốc gia và toàn cầu.
*Host: Để hiện thực hóa tham vọng về đô thị số phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng của người dân khi sử dụng công nghệ. Vậy những nguyên tắc cần phải có của đô thị số là gì?
Bà Nguyễn Trúc Vân: Nguyên tắc thứ nhất là toàn diện, đảm bảo là không ai bị bỏ lại phía sau do quá trình số hóa và tuân thủ theo đúng tinh thần mà Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã đề cập.
Nguyên tắc thứ hai đó là đạo đức, đảm bảo rằng dữ liệu và các công cụ kỹ thuật số được sử dụng một cách có đạo đức.
Nguyên tắc cuối cùng là tin cậy, đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư và an ninh mạng.
Theo tôi, để trở thành một công dân số, người dân thành phố cần định danh điện tử: cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại của mình và phải lên được tới mức độ 2.
Kỹ năng thứ hai là quản trị được thời gian sử dụng các thiết bị và kỹ năng.
Thứ ba là kỹ năng ứng xử trên môi trường số như thế nào để không bị rơi vào hoàn cảnh khó xử, vi phạm những quy định về vấn đề về an ninh mạng.
Kỹ năng thứ tư là biết cách thiết lập những mật khẩu quản trị để có thể bảo vệ những thông tin riêng tư cá nhân.
Mộ kỹ năng quang trọng là khả năng nhận định được thông tin có đáng tin cậy hay không. Vì hiện giờ trên môi trường không gian mạng thông tin rất đa dạng, nhiều chiều. Kỹ năng của người dân cần phải nhận định, sàng lọc được.
Ông Tuấn Anh: Tôi muốn bổ sung thêm là năng suất số và làm việc hiệu quả trong môi trường số. Ví như cả ngày ngồi lướt Tiktok thì là không ổn! Thứ hai là vấn đề về quản trị thông tin của bản thân để chúng ta làm việc hiệu quả hơn.
Tất cả các công dân số cần phải biết kiến tạo nội dung có giá trị. Tiếp đến nữa là phân tích về dữ liệu và cuối cùng là tính đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp luôn đi chung với nhau và đó là kỹ năng của cá nhân.
*Host: Để phát triển thế hệ công dân số trong đô thị số, chính quyền cần có giải pháp, chính sách ra sao?
Bà Võ Thị Trung Trinh: Vấn đề quan trọng trước tiên là nỗ lực nâng cao kiến thức kỹ năng số cho người dân. Thông qua hợp tác giữa khu vực tư nhân, các Viện và tổ chức xã hội để có những lớp phổ cập kiến thức về kỹ năng số cho người dân mọi lứa tuổi, cả người già, người khuyết tật … để họ có thể tiếp cận được các nền tảng số, các kỹ năng và kiến thức về số một cách cơ bản nhất.
Thứ hai là phương tiện, có thể hỗ trợ cung cấp những trang thiết bị di động cho người dân thông qua những chiến dịch quyên góp, chia sẻ lại cho những người chưa có điều kiện sở hữu.
Thứ ba là đảm bảo sự kết nối. Không chỉ là kết nối tại nhà mà còn là băng thông rộng, kết nối ở những không gian công cộng để người dân có thể giữ được kết nối ở mọi lúc, mọi nơi.
Thứ tư, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Phải có một tài khoản ngân hàng liên kết được với các tiện ích thẻ, hoặc ví điện tử, từ đó đẩy mạnh thương mại điện tử.
Cuối cùng là tăng cường về nhận dạng kỹ thuật số. Khi mà các dịch vụ và sản phẩm ngày càng được số hóa thì vấn đề an toàn giao dịch và xác thực kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Ông Vũ Tuấn Anh: Một trong những vấn đề nhức nhối trong khoảng hai năm gần đây là những vụ án lừa tiền từ tội phạm mạng. Cần phải đấu tranh quyết liệt. Cần phải có những biện pháp rất kiên quyết để xử lý các hành vi lệch chuẩn.
Tôi hoàn toàn đồng ý là tất cả các tài khoản Facebook cần phải được định danh. Tức là chúng ta được quyền phát biểu nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm với phát biểu đó.
Vấn đề kế tiếp là cần phải đào tạo. Chúng ta hãy tập trung vào thế hệ trẻ, thay vì chúng ta hướng dẫn cho bố mẹ thì mất rất nhiều thời gian, hãy để cho những đứa con, đứa cháu sẽ trở thành những "thầy giáo số" trong mỗi gia đình hiện đại.
*Host: Xin cám ơn các vị khách mời!