Chờ...

Nghề viết hiện đại – Chọn lọc từng con chữ

(VOH) - Với nghề viết, nhất là nghề content maketing, quảng cáo thì ngoài đam mê còn là sự sáng tạo, học hỏi và đặc biệt là cách dùng từ để thể hiện, quảng bá sản phẩm.

Trong đó, sử dụng ngôn ngữ, cách biểu đạt sắc thái ngôn từ đóng vai trò quan trọng trong nghề viết hiện đại. Do vậy mà ngôn ngữ đang được nhiều bạn trẻ hiện nay dành sự quan tâm lớn vì nhu cầu thực tế khá cao.

Thời gian qua, các vấn đề liên quan đến chữ nghĩa được công chúng quan tâm rất nhiều. Mọi người thích tìm hiểu nghĩa của từ, thích chơi chữ, cũng thích làm công việc liên quan đến viết lách. Bên cạnh các lĩnh vực văn hóa, lịch sử thì chữ nghĩa cũng đang là một hiện tượng khá thú vị.

Theo sinh viên Nguyễn Anh Khoa, đang theo học Đại học Y Dược tại Thành phố Hồ Chí Minh, những bạn trẻ theo nghề viết hiện đại thì việc tiếp cận nhanh với công nghệ, ngoại ngữ hay nhanh nhạy trong nắm bắt xu hướng mới không còn là rào cản mà cái khó là các bạn còn yếu về lí thuyết tiếng Việt, chưa diễn tả được hết ý muốn trình bày, thiếu sắc thái diễn đạt của ngôn từ.

Anh Khoa chia sẻ thêm: "Em chưa được viết nhiều, chưa va chạm nhiều nên khó khăn là cách dùng từ, cách viết không được mượt mà, không thể hiện được sắc thái mình muốn diễn đạt trong câu văn".

Trần Hoa Lẫm – cựu sinh viên trường Đại học Ngoại Thương Thành phố, đang làm ngành truyền thông quảng cáo thì bày tỏ: "Khi mình có ý tưởng, có suy nghĩ mới lạ nhưng mình sẽ hơi khó khăn trong việc thể hiện nó hoặc biến nó thành sản phẩm truyền thông cụ thể. Nó cần thời gian, học hỏi từ những người dùng nhiều ngôn từ".

nghe-viet-hien-dai-chon-loc-tung-con-chu-voh.com.vn-anh1
Tác giả Nguyễn Thùy Dung – người sáng lập trang Ngày ngày viết chữ ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: giaoduc

Rõ ràng, câu chuyện để làm sao dùng ngôn từ chính xác, sắc thái tốt, biểu đạt câu tròn đầy ý nghĩa là con đường mà ai ai theo nghề viết hiện đại cũng cần phải học hỏi, trau dồi và nâng cao thường xuyên.

Chắt lọc từng con chữ, cẩn thận trong biểu đạt là điều mà tác giả Nguyễn Thùy Dung – người sáng lập trang Ngày ngày viết chữ gửi gắm: "Bất kì ngôn ngữ nào thì cũng phải học. Đối với nghề viết mà nhất là viết tiếng Việt không còn con đường nào khác là phải học, làm sao dùng từ cho đúng nghĩa, viết câu cho đúng ngữ pháp, những sắc thái của câu. Không chỉ đúng ngữ pháp của câu mà phải đúng sắc thái để cho câu của mình sinh động hơn, diễn đạt thế nào cho người đọc dễ tiếp cận, đúng với ý muốn".

Việc sử dụng ngôn từ theo cách riêng để tạo dấu ấn, tạo điểm nhấn trong từng sản phẩm còn là sự thấu hiểu lẫn nhau đằng sau con chữ. Ở một cách nhìn khác, ngôn từ theo cách riêng cũng giống như ý kiến hay quan điểm sống của chính mỗi người.

Tác giả - copywriter có tiếng trong ngành truyền thông – anh Huỳnh Vĩnh Sơn nhấn mạnh: "Bên cạnh sáng tạo tốt, bên cạnh sự trau dồi sáng tạo, còn trau dồi phương thức biểu đạt của nó nữa, mà cụ thể ở đây là câu chuyện của chữ nghĩa.

Bên cạnh việc luôn luôn rèn luyện thì trong phạm vi của ngành, ngành truyền thông quảng cáo, lúc nào cũng cần ý tưởng tươi mới nhưng đằng sau đó còn là câu chuyện của thấu hiểu nhãn hàng, thấu hiểu người tiêu dùng.

Thật ra khi mình càng có nhiều kinh nghiệm, mình càng có nhiều vốn sống, mình sẽ có nhiều lợi thế hơn. Chúng ta cần ý tưởng hay chơi chữ tròn trịa hơn, có sự thấu hiểu đủ đầy đằng sau".

Với những ai đang lựa chọn cho mình nghề viết hiện đại, lĩnh vực sáng tạo nội dung thì việc tạo lập nên thói quen đọc sách mỗi ngày, rèn luyện kỹ năng viết thường xuyên là điều phải làm. Có như thế mới truyền đạt tốt nhất, thấu hiểu tròn đầy nhất qua từng sản phẩm viết.

Như vậy, chúng ta mới thấy rằng tiếng Việt mình thật sự thú vị, thật sự đặc sắc.